17:11 15/01/2016

Việt Nam vào top 5 xả rác nhựa nhiều nhất ra biển

Diệp Vũ

Nhóm 5 nước này được cho là đóng góp tới 60% lượng rác thải bằng nhựa bị ném xuống biển trên toàn cầu

Một bãi biển ngập rác thải ở Jakarta, Indonesia, tháng 5/2013 - Ảnh: Global Post/Reuters.<br>
Một bãi biển ngập rác thải ở Jakarta, Indonesia, tháng 5/2013 - Ảnh: Global Post/Reuters.<br>
Theo một báo cáo được công bố mới đây, có 5 quốc gia châu Á đã chiếm quá nửa lượng rác thải bằng nhựa xả ra biển.

Tờ Global Post dẫn báo cáo của Ocean Conservancy, một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ cho hay Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam là 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới.

Nhóm 5 nước này được cho là đóng góp tới 60% lượng rác thải bằng nhựa bị ném xuống biển trên toàn cầu.

Báo cáo này cho biết, số rác nổi trên mặt biển như vỏ chai nước, túi nilon... chỉ chiếm 5% lượng rác thải bằng nhựa bị ném xuống biển. Trong khi đó, số rác chìm dưới mặt nước chiếm tới 95%.

Ông Nicholas Mallos, Giám đốc chương trình về rác thải trên biển của Ocean Conservancy, dự báo, với tốc độ xả rác ra biển như hiện nay, thì “đến năm 2025, cứ mỗi 3 tấn cá trên các đại dương sẽ có gần 1 tấn rác nhựa”.

Theo báo cáo của Ocean Conservancy, khi các nền kinh tế ở châu Á trở nên phát triển hơn, lượng rác thải bằng nhựa trong sinh hoạt của người dân cũng gia tăng.

Tuy nhiên, theo Ocean Conservancy, ở 5 quốc gia châu Á được đề cập ở trên, chỉ có khoảng 40% rác thải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp. Còn lại, rác được chất thành đống ở các bãi rác địa phương và trong nhiều trường hợp được xả thẳng xuống biển.

Báo cáo cũng nói rằng, do người dân ở các nước đang phát triển nhìn chung còn nghèo, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng tại các nước này thường đóng gói sản phẩm với khối lượng nhỏ để bán với giá rẻ hơn, và sử dụng vật liệu nhựa rẻ tiền để đóng gói.

Về sau, vật liệu đóng gói này trở thành gánh nặng cho hệ thống xử lý rác thải tại các quốc gia đang phát triển. Một khối lượng lớn chất thải nhựa phẩm cấp thấp được xả ra môi trường, nhưng lại không đủ hấp dẫn những người thu gom phế liệu nhặt về để tái chế và bán lại.