08:45 07/01/2016

WB giảm mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu 2016

An Huy

Nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ tăng trưởng dưới 3% năm thứ 5 liên tiếp

Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới toàn thế giới - Ảnh: Bloomberg.<br>
Sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới toàn thế giới - Ảnh: Bloomberg.<br>
Nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng yếu ớt năm nay, khi sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc kéo dài đợt giảm giá hàng hóa cơ bản, còn kinh tế Brazil và Nga tiếp tục suy thoái - hãng tin Bloomberg dẫn dự báo mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (Global Economic Prospects) công bố ngày 6/1, WB cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới năm 2016 xuống còn 2,9%, từ mức dự báo tăng 3,3% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 6.

Định chế này cũng cho biết kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% trong năm 2015, thấp hơn mức dự báo tăng 2,8% đưa ra trong báo cáo tháng 6, đồng thời giảm so với mức tăng 2,6% đạt được trong năm 2014.

Bức tranh ngày càng xấu về các nền kinh tế mới nổi là một lý do chính khiến nền kinh tế toàn cầu đối mặt với nguy cơ tăng trưởng dưới 3% năm thứ 5 liên tiếp.

WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2016 xuống còn 6,7%, từ mức 7% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 6/2015. Theo định chế này, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ tiếp tục giảm xuống mức 6,5% trong năm 2017.

Theo WB, kinh tế Brazil sẽ suy giảm 2,5% trong năm nay, còn kinh tế Nga suy giảm 0,7%.

“Nền kinh tế toàn cầu sẽ cần phải thích nghi với một thời kỳ mới tăng trưởng chậm hơn tại các nền kinh tế mới nổi chủ chốt. Đặc trưng của thời kỳ này sẽ là giá hàng hóa cơ bản thấp hơn và sự giảm sút của các dòng chảy thương mại và vốn”, Phó chủ tịch kiêm chuyên gia kinh tế trưởng WB Kaushik Basu nói trong bản báo cáo.

WB nhận định, mức nợ cao của Trung Quốc là rủi ro chính trong ngắn hạn đối với nền kinh tế nước này, nhấn mạnh việc tỷ lệ nợ so với GDP của Trung Quốc cao hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế đang phát triển khác. Tuy nhiên, theo WB, Chính phủ Trung Quốc có nhiều dư địa để sử dụng chi tiêu công nhằm kích kích tăng trưởng trong trường hợp tăng trưởng giảm tốc mạnh hơn dự kiến - một kịch bản ít có khả năng xảy ra.

WB cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2016 xuống còn 2,7%, từ mức dự báo tăng 2,8% đưa ra trong báo cáo hồi tháng 6. Cơ sở cho đánh giá này là việc đồng USD tăng giá mạnh gây bất lợi cho xuất khẩu của Mỹ.

Về kinh tế Nhật và khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone, WB khuyến cáo việc nới lỏng chính sách tiền tệ nên được duy trì để giữ sự phục hồi mong manh của các nền kinh tế này.

The ông Basu, nền kinh tế thế giới trong năm 2016 sẽ được hỗ trợ bởi những yếu tố như sự phục hồi tiếp tục diễn ra ở các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới, giá hàng hóa cơ bản ổn định hơn, và sự duy trì của lãi suất thấp.

Tuy nhiên, tất cả những yếu tố này không thể loại trừ khả năng thấp xảy ra sự giảm tốc thiếu trật tự ở các nền kinh tế mới nổi do Mỹ bắt đầu tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên, cũng như những quan ngại về địa chính trị.

Theo kịch bản chính mà WB đưa ra, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “khởi sắc nhẹ” khi nền kinh tế Trung Quốc dịch chuyển sang mô hình dựa trên tiêu dùng và dịch vụ, và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất  không gây ra những xáo trộn lớn. WB dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% trong năm 2017.

Báo cáo nhấn mạnh rằng những lợi ích từ giá dầu rẻ đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp đến nay “thấp một cách đáng ngạc nhiên”. Tuy vậy, việc giá dầu đi vào ổn định ở mức thấp có thể “giải phóng nhu cầu bị ghìm giữ”, giúp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh hơn dự kiến.

Tuy nhiên, WB khẳng định nền kinh tế thế giới vẫn thiên về khả năng giảm tốc. Kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi lớn khác cùng đuối sức “có thể gây ảnh hưởng lan tỏa lớn tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển khác” - WB cảnh báo.

“Sự giảm tốc đồng thời của bốn nền kinh tế mới nổi lớn nhất là Brazil, Nga, Trung Quốc và Nam Phi đặt ra nguy cơ ảnh hưởng lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế thế giới”, ông Basu nhận định.