12:37 03/06/2021

Thêm dự báo VN-Index lên 1.400 điểm tháng 6, nhà đầu tư cá nhân “cân” Covid lẫn khối ngoại

An Nhiên

Nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục duy trì hoạt động giao dịch tích cực, đẩy lùi nỗi lo về dịch bệnh. Tỷ trọng giao dịch của nhóm nhà đầu tư này chiếm 86,8% thị trường so với mức bình quân 81,1% trong 1 năm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Báo cáo đánh giá vĩ mô thị trường tháng 5 của Chứng khoán BSC công bố 3/6 đưa ra hai kịch bản cho thị trường tháng 6.

Kích bản 1: VN-Index duy trì đà tăng và hướng về ngưỡng 1400 điểm. Dòng tiền từ các Quỹ ngoại quay trở lại đồng thời các nhà đầu tư mới trong nước tiếp tục tham gia vào thị trường. Diễn biến về việc lây nhiễm mới không quá tiêu cực và làn sóng Covid thứ 4 được đẩy lùi.

Kịch bản 2: VN-Index dao động tích lũy trong khu vực 1270-1350 điểm nếu diễn biến thị trường thế giới bước vào giai đoạn đi ngang, dịch bệnh trong nước chưa được kiểm soát hoàn toàn và khối ngoại duy trì trạng thái rút ròng vốn.

Hai kịch bản được đánh giá là có xác suất xảy ra tương đương nhau. Các yếu tố tích cực ảnh hưởng đến thị trường tháng 6 là tiếp tục giải ngân đầu tư công và chính sách tiền tệ nới lỏng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực dịch Covid-19 và hỗ trợ tăng trưởng; Bộ máy lãnh đạo mới đẩy nhanh việc hoạch định và ban hành các chính sách mới. Các ETFs FTSE, VNM, MSCI công bố điều chỉnh và thực hiện cơ cấu danh mục tăng thanh khoản cho thị trường.

Ngược lại một số có ảnh hưởng đến thị trường như Dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường trên thế giới, và Việt Nam đang ở trong đợt bùng phát thứ tư; Giá dầu biến động khó dự báo để ổn định lạm phát và Căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc – Đài Loan – Mỹ cũng ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường.

Theo thống kê của BSC, vốn hoá 3 sàn tháng 5 đạt 6,43 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với tháng 4. Với kịch bản VN-Index đạt 1,350 điểm vào cuối tháng 6, dự báo vốn hóa tăng 1,5%. Thanh khoản giữ ổn định ở mức trong giai đoạn tăng của thị trường cho thấy sự lạc quan nhất định trong thời điểm hiện tại của các nhà đầu tư.

Giao dịch của khối ngoại.
Giao dịch của khối ngoại.

Trong khi khối ngoại bán ròng, quỹ ETF rút ròng thì nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục duy trì tích cực.

Cụ thể, tính chung tháng 5, khối ngoại bán ròng 11.687 tỷ, trong đó HPG là mã được bán ròng nhiều nhất với giá trị 3.968 tỷ đồng. Các Quỹ ETF đa số bị rút ròng trong tháng vừa rồi, chỉ có ETF Diamond và VNM vẫn đang thu hút được vốn ngoại trong khi ETF FTSE và KIM bị rút ròng mạnh nhất.  Khối ngoại quay trở lại bán ròng phần nào cho thấy sự thận trọng nhất định của những nhà đầu tư quốc tế trong thời điểm hiện tại khi làn sóng Covid thứ 4 xuất hiện tại Việt Nam.

Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục duy trì hoạt động giao dịch tích cực, đẩy lùi nỗi lo về dịch bệnh. Nhà đầu tư cá nhân trong nước giao dịch chiếm 86,8% thị trường so với mức bình quân 81,1% trong 1 năm. Động lực mua gia tăng khi thị trường giữ được mốc 1.250 điểm cho thấy các bộ phận nhà giao dịch vẫn đang khá chủ động với diễn biến thị trường hiện tại.

Giá trị giao dịch bình quân hàng ngày của hợp đồng tương lai tăng mạnh trong tháng vừa rồi cho thấy các nhà giao dịch hiện gia tăng sự quan tâm đến các sản phẩm phái sinh.

Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Giao dịch của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

Về chiến lược đầu tư trong tháng 6, theo khuyến nghị của BSC, nhà đầu tư có thể cân nhắc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thuộc nhóm Ngành Dầu khí khi giá dầu tiềm năng quay trở lại đà tăng; cân nhắc nắm giữ lâu dài các nhóm cổ phiếu có tăng trưởng lợi nhuận tốt như Bán lẻ và nhóm cổ phiếu có tiềm năng tiếp tục hồi phục như Công nghệ thông tin – Bưu chính viễn thông. Có thể mua một số ngành có thể có lợi thế trong đợt này như Dệt may, Thủy sản… do ảnh hưởng từ gián đoạn do dịch bệnh ở Ấn độ, Myanmar.

Trong khi đó, cân nhắc kỹ trong quyết định giao dịch và chỉ mua khi các cổ phiếu rời về những ngưỡng hỗ trợ mạnh hoặc tích lũy ngắn hạn. Thận trọng khi giao dịch phái sinh, nên giữ số vị thế mở ở mức vừa phải.