14:02 22/08/2009

Thêm một ngân hàng lớn của Mỹ lâm nạn

Mai Phương

Các nhà chức trách Mỹ tiến hành đóng cửa ngân hàng lớn thứ ba trong năm 2009 và giải thể thêm 3 ngân hàng khác

Giao diện trên trang web của Guaranty Bank đã xuất hiện lời chào mừng của BBVA Compass đối với khách hàng của Guaranty Bank.
Giao diện trên trang web của Guaranty Bank đã xuất hiện lời chào mừng của BBVA Compass đối với khách hàng của Guaranty Bank.
Các nhà chức trách Mỹ vừa tiến hành đóng cửa ngân hàng lớn thứ ba trong năm 2009 và giải thể thêm 3 ngân hàng khác, nâng tổng số nhà băng sụp đổ tại nước này từ đầu năm tới nay lên con số 81.

Theo Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), ngày 21/8, họ đã tiếp quản ngân hàng tiết kiệm Guaranty Bank có trụ sở ở bang Texas.

Với tài sản gần 13 tỷ USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 12 tỷ USD, Guaranty Bank là ngân hàng lớn thứ ba tại Mỹ trở thành nạn nhân của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế trong năm 2009. Đây cũng là vụ đổ vỡ ngân hàng lớn thứ 11 trong lịch sử ở Mỹ.

BBVA Compass, một chi nhánh tại Mỹ của ngân hàng Tây Ban Nha Banco Bilbao Vizcaya Argentaria, đã nhất trí tiếp quản toàn bộ số tài khoản tiền gửi của khách hàng trong Guaranty Bank và mua lại lượng tài sản trị giá 12 tỷ USD của ngân hàng này.

FDIC cho biết, cơ quan này sẽ cùng chia sẻ những khoản thua lỗ có thể phát sinh đối với lượng tài sản trị giá 11 tỷ USD trong số này. Ước tính, để giải quyết vụ đổ vỡ của Guaranty Bank, FDIC phải chi số tiền khoảng 3 tỷ USD.

162 chi nhánh của Guaranty Bank tại Texas và California sẽ mở cửa trở lại từ đầu tuần tới với tư cách là chi nhánh của BBVA Compass. Đây là lần đầu tiên trong năm 2009, một ngân hàng đổ vỡ của Mỹ được một ngân hàng nước ngoài mua lại.

Là ngân hàng thứ tư tại bang Texas sụp đổ trong năm nay, Guaranty Bank có nhiều khoản cho vay cầm cố đầy rủi ro mà con nợ là các khác hàng ở California - một trong những bang có giá nhà trượt giảm thê thảm nhất tại Mỹ.

Chính sự xuống dốc của thị trường nhà đất ở bang California cũng “góp công” gây ra sự đổ vỡ của hai “đại gia” ngân hàng Washington Mutual và IndyMac. Với tài sản 307 tỷ USD, Washington Mutual tới giờ vẫn là ngân hàng lớn nhất từng đổ vỡ trong lịch sử nước Mỹ.

Bị đổ vỡ cùng đợt với Guaranty Bank còn có 3 ngân hàng nữa với quy mô khiêm tốn hơn. Đó là các ngân hàng CapitalSouth Bank ở bang Alabama, với tài sản 617 triệu USD và 546 triệu USD tiền gửi của khách hàng; ngân hàng First Coweta ở bang Georgia, với tài sản 155 triệu USD và 155 triệu USD tiền gửi; và ngân hàng Stearns Bank với tài sản 143 triệu USD và 130 triệu USD tiền gửi.

FDIC đã tìm được khách mua lại cả 3 ngân hàng trên. Ba vụ đổ vỡ này ước tính sẽ tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi chừng 262 triệu USD.

(Theo CNN)