Thị trường bảo hiểm cần giải quyết 3 vấn đề lớn trong năm 2023
Dựa trên những kết quả đạt được trong năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến tốc độ tăng trưởng bình quân về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư, tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm đạt khoảng 15% trong năm 2023. Tuy nhiên, năm 2023, chuyên gia cho rằng cần phải giải quyết 3 vấn đề lớn...
Năm 2022, mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức nhưng các chỉ tiêu quan trọng của thị trường bảo hiểm đều duy trì mức tăng trưởng khả quan.
ĐẦU TƯ TRỞ LẠI NỀN KINH TẾ TĂNG 15,09%
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến 12/12/2022, thị trường bảo hiểm có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (với tổng tài sản ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Trong đó tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 117.229 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng.
Cùng đó, tổng nguồn vốn chủ sở hữu của 79 doanh nghiệp ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm 2021. Cụ thể, vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 37.392 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 125.422 tỷ đồng. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09% so với năm 2021.
Cũng trong năm 2022, các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 64.018 tỷ đồng, tăng 23,29% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chi trả khoảng 23.418 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ chi trả 40.600 tỷ đồng. Đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 656.423 tỷ đồng (tăng 12,56% so với năm 2021.
Trong năm 2022, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 526.559 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2021. Trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 32.901 tỷ đồng, các doanh nghiệp nhân thọ ước đạt 493.658 tỷ đồng.
BA THÁCH THỨC CẦN GIẢI QUYẾT TRONG NĂM 2023
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra những thách thức chính mà thị trường bảo hiểm cần giải quyết trong thời gian tới. Những thách thức này sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu và hiệu quả sinh lợi của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường gia tăng (do các hoạt động kinh tế xã hội đã trở lại bình thường sau dịch bệnh), trong khi nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm lại (do kinh tế dự báo khó khăn hơn) và hoạt động đầu tư suy giảm (do thị trường chứng khoán giảm mạnh...).
Thứ hai, theo quy định mới của pháp luật, từ năm 2023, các công ty bảo hiểm có quyền tự quyết lớn hơn với các nguồn vốn đầu tư của mình. Tuy nhiên, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm với từng loại tài sản tài chính chưa được thông qua trong khi thời gian còn lại là không nhiều.
Thứ ba là vấn đề minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Theo đó, tình trạng tranh chấp khi xử lý bồi thường gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường.
Một số vấn đề phát sinh từ việc thực hiện bán chéo bảo hiểm qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng).
Các đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, hợp đồng bảo hiểm đôi khi khó hiểu hoặc dài dòng, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng...khiến người dân thiếu niềm tin vào thị trường bảo hiểm.