14:53 25/08/2008

“Chúng tôi giúp giảm rủi ro trong kinh doanh xăng dầu”

Mạnh Chung

Đại diện BIDV Energy - công ty bảo đảm giá năng lượng đầu tiên của Việt Nam - nói về chiến lược hoạt động của công ty này

"Chúng tôi nhìn nhận, hiện có cơ hội rất tốt để triển khai nghiệp vụ hàng hoá phái sinh, trước hết là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam hiện nay."
"Chúng tôi nhìn nhận, hiện có cơ hội rất tốt để triển khai nghiệp vụ hàng hoá phái sinh, trước hết là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam hiện nay."
Công ty TNHH Kinh doanh và Dịch vụ năng lượng BIDV (BIDV Energy) dự kiến được thành lập cuối quý 3/2008, với chức năng chính là quản lý rủi ro trong kinh doanh xăng dầu.

Để tìm hiểu chiến lược của BIDV Energy - công ty bảo đảm giá năng lượng đầu tiên của Việt Nam, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Tùng - Giám đốc Công ty Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), một trong hai bên liên doanh thành lập BIDV Energy.

Ông Tùng nói:

- BIDV Energy được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa BIC và Công ty Ginga Vietnam Holdings Pte. Ltd (Singapore). Chúng tôi nhìn nhận, hiện có cơ hội rất tốt để triển khai nghiệp vụ hàng hoá phái sinh, trước hết là trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam hiện nay.

Cơ hội đó là gì, thưa ông?

Trong bối cảnh tình hình thị trường xăng dầu thế giới biến động, khó kiểm soát do những mâu thuẫn xung đột lợi ích của các nước và tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm như hiện nay, việc phụ thuộc gần như 100% vào nguồn xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài của Việt Nam là một rủi ro rất lớn.

Theo thống kê, sản lượng tiêu thụ xăng dầu Việt Nam khoảng 16 triệu tấn/năm, và với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ nay đến năm 2025 ước đạt khoảng 7%-15%/năm, thì các năm tới, Việt Nam vẫn là nước nhập khẩu xăng dầu, ngay cả sau khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động và hoạt động hết công suất.

Hơn nữa, theo lộ trình mở cửa ngành năng lượng khi gia nhập WTO, sự ra đời của Nghị định 55/2007/NĐ-CP của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 1/5/2007 - PV) đã chính thức mở đường cho việc tiến tới xoá bỏ hoàn toàn bao cấp đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu xăng dầu đầu mối, xoá bỏ hoàn toàn trợ giá và dần dần thả nổi giá các sản phẩm xăng dầu trên thị trường nội địa.

Lộ trình này đã đặt ra cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thách thức không nhỏ. Nhu cầu ổn định được giá đầu vào ở mức hợp lý để có thể chủ động bố trí ngân sách, hạch toán lợi nhuận của các doanh nghiệp là rất cao.

Ba hoạt động chính

Đó là “tiềm năng” mà BIDV Energy đã nhìn ra?

Trên thế giới và riêng khu vực Châu Á, thị trường các hợp đồng phái sinh giá năng lượng nhằm hạn chế các biến rộng rủi ro về giá cả đã rất phát triển với khối lượng giao dịch lớn và tính thanh khoản cao.

Ở Việt Nam, thị trường này có nhiều tiềm năng phát triển. Qua khảo sát, phần lớn trong số các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối của nước ta đều bày tỏ sự quan tâm đến các công cụ bảo đảm giá.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu lớn như các hãng vận tải, hàng không… cũng đã bày tỏ nhu cầu quản lý giá nhiên liệu đầu vào để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận.

Việc thành lập BIDV Energy nằm trong chiến lược phát triển BIC trở thành một doanh nghiệp có vị thế trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm, từng bước hoàn thiện hệ thống cung cấp các sản phẩm tài chính, bảo hiểm trọn gói cho các khách hàng trong và ngoài nước.

Khi ra đời, những hoạt động chính của BIDV Energy là gì, thưa ông?

Thứ nhất, quản lý rủi ro trong giao dịch xăng dầu cho khách hàng, khách hàng có thể được hưởng giá bình ổn trong 1 thời gian do khách hàng lựa chọn, từ đó ổn định chi phí, lên được ngân sách chính xác cho doanh nghiệp mình.

Thứ hai, tự doanh trên cơ sở nhu cầu của khách hàng, sau khi được cấp phép. Với dịch vụ này BIDV Energy có thể tham gia vào chuỗi cung cấp xăng dầu và chuyển đổi giá thả nổi thành giá cố định cho các đối tác liên quan trong chuỗi cung cấp.

Cụ thể, khách hàng có thể thông qua BIDV Energy để mua lại theo giá cố định trong một thời hạn cụ thể do khách hàng lựa chọn, có thể là ngắn hạn như một vài tháng), trung hạn như một vài quý, hoặc dài hạn như một năm hoặc dài hơn.

Thứ ba, cung cấp dịch vụ tư vấn. BIDV Energy sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn về quản lý rủi ro, cung cấp thông tin thị trường, dự báo, phân tích chiến lược...
 
Thiếu công cụ quản lý rủi ro về giá

Theo ông, hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Việt Nam dễ gặp phải những rủi ro gì?

Trước hết, đã là kinh doanh, chúng ta phải đối mặt và chấp nhận rủi ro. Rủi ro có thể đến từ rất nhiều phía và rất đa dạng, mỗi loại hình kinh doanh đều có những rủi ro khác nhau.

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu Việt Nam hiện nay, việc phải nhập khẩu đầu vào gần như 100% với giá thả nổi trên thị trường năng lượng thế giới, trong khi không có công cụ để quản lý rủi ro về giá, là một rủi ro lớn.

Rủi ro càng lớn khi hiện nay, Chính phủ khống chế giá bán xăng dầu, các doanh nghiệp hoàn toàn bị động trước diễn biến giá dầu thế giới và hoàn toàn bất ngờ với diễn biến giá xăng dầu trong nước. Là đơn vị kinh doanh nhưng các doanh nghiệp không chủ động quyết định được cả giá mua vào, lẫn giá bán ra.

Bản thân cơ chế điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay làm cho các doanh nghiệp kinh doanh rất bị động, phụ thuộc hoàn toàn vào Nhà nước. Các doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu cung ứng đủ nhu cầu xăng dầu nội địa trong khi không biết trước được giá bán đầu ra. Sự chênh lệch như vậy giữa giá nhập khẩu và giá bán là hoàn toàn có thể xẩy ra.

Vậy giả sử BIDV Energy ra đời từ trước thì liệu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có tránh được những rủi ro trên?

Mục tiêu của BIDV Energy là cung cấp cho các doanh nghiệp một công cụ hàng hoá phái sinh nhằm quản lý rủi ro do biến động giá đầu vào.

BIDV Energy hoàn toàn có thể tư vấn, môi giới cho các doanh nghiệp kinh doanh, tiêu thụ xăng dầu các hợp đồng nhập khẩu xăng dầu với giá cả ổn định và hợp lý, có thể chủ động tính toán giá vốn trong điều kiện giá cả biến động.

Còn rủi ro của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì có nhiều, trong đó, rủi ro do cơ chế thì cần phải có sự tháo gỡ của Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Theo ông, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên thế giới được hưởng lợi gì từ các công ty bảo hiểm?

Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các giao dịch xăng dầu trên thế giới đều sử dụng giá thả nổi, cả người mua và người bán chỉ biết giá vào thời kỳ giao hàng, các doanh nghiệp không thể biết được giá sẽ diễn biến như thế nào vào thời điểm giao hàng tháng/quý sau.

Các công ty bảo hiểm/bảo đảm giá năng lượng có thể cung cấp cho khách hàng các phân tích, dự báo biến động giá cả xăng dầu trong tương lai.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể bảo hiểm giá mua vào trong tương lai bằng các công cụ phái sinh do các công ty bảo hiểm/bảo đảm giá cung cấp để có thể cố định giá mua vào tại thời điểm cần thiết, giảm thiểu tối đa rủi ro do biến động của thị trường, có kế hoạch ngân sách chính xác, hạch toán được lỗ lãi khi ra quyết định kinh doanh mà không bị phụ thuộc vào sự bất ổn, biến động của thị trường trong tương lai.