09:56 01/07/2016

Coca-Cola và mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Phương Vân

Coca-Cola đã lựa chọn hướng đầu tư và phát triển không chỉ ở quy trình sản xuất chất lượng cho khách hàng tiêu dùng mà còn ở những giá trị cho cộng đồng

3 nhà máy của Coca-Cola đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được xác nhận phù hợp các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng.
3 nhà máy của Coca-Cola đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được xác nhận phù hợp các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng.
Được đánh giá là một trong những công ty đa quốc gia phát triển bền vững hơn 20 năm tại Việt Nam, bên cạnh chính sách nhân sự đồng bộ, Coca-Cola đã lựa chọn hướng đầu tư và phát triển không chỉ ở quy trình sản xuất chất lượng cho khách hàng tiêu dùng mà còn ở những giá trị cho cộng đồng.

Năm 2012 đánh dấu cột mốc quan trọng với Coca-Cola khi công ty này cam kết đầu tư 300 triệu USD tại Việt Nam. Bên cạnh việc tạo thêm việc làm cho người lao động, khoản đầu tư này còn được sử dụng để cải tiến dây chuyền sản xuất, phát triển cơ sở hạ tầng… nhằm hỗ trợ mục tiêu phát triển bền vững của công ty tại Việt Nam đến 2015 và các năm tiếp theo.

Coca-Cola cho biết, để thực hiện mục tiêu này, dây chuyền sản xuất tân tiến tại 3 nhà máy Coca-Cola tại Tp.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng cùng quy trình khép kín từ khâu thu thập nguyên liệu đến sản xuất tại nhà máy phải đáp ứng những tiêu chuẩn về quản lý trước khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Hiện tại, 3 nhà máy của Coca-Cola đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được xác nhận phù hợp các chứng chỉ về hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001:2008), hệ thống bảo đảm an toàn thực phẩm (FSSC 22000), hệ thống tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (ISO 14000) và An toàn sức khỏe nghề nghiệp (OSHA 18000).

Bên cạnh đó, với FSSC 22000 - sự kết hợp từ hai chứng chỉ ISO 22000 và PAS 220, tiêu chuẩn này tương đương chứng chỉ GMP, HACCP để được hưởng chế độ kiểm tra định kỳ 1 lần/năm so với cơ sở không áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tương đương.

Tiêu chuẩn này còn được Tổ chức sáng kiến về an toàn thực phẩm toàn cầu (GFSI) chính thức công nhận, là “chìa khóa” giúp Coca-Cola thâm nhập hệ thống chuỗi bán lẻ toàn cầu và đưa Coca-Cola đến gần hơn người tiêu dùng.

Ngoài ra, các sản phẩm từ nhà máy Coca-Cola còn được liên tục kiểm nghiệm, giám sát định kỳ mỗi năm một lần theo đúng tần suất quy định để giảm thiểu tối đa rủi ro trong vấn đề an toàn thực phẩm.

Không dừng ở việc sản xuất và những cải tiến trong sản phẩm, giá trị bền vững mà Coca-Cola hướng đến còn nằm ở sự tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn nước, sử dụng bao bì…

Hướng đến mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong việc vận dụng hiệu quả nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường, đến năm 2020 sẽ giảm 25% carbon footprint trong toàn bộ chuỗi giá trị, Coca-Cola từ nhiều năm qua với 3 nhà máy trên cả nước đã chuyển sang khí gas tự nhiên CNG và Bio Mass và giảm đến 10% năng lượng tiêu thụ; sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để đun nóng nước từ 250C đến 70-75oC, cung cấp 80m3 nước/ngày, tiết kiệm 6 triệu MJ mỗi năm.

Sắp tới, Coca-Cola cho biết sẽ được lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời để cung cấp 20-25% tổng nhu cầu sử dụng điện tại đây. Với những giải pháp trên, Coca-Cola đã đạt chứng chỉ LEED do Hiệp hội Green Building (Mỹ) trao tặng.

Không chỉ vậy, Coca-Cola cũng là công ty hiện nay dùng hệ thống tấm pin năng lượng mặt trời tại các Trung tâm hỗ trợ cộng đồng EKOCENTER để cung cấp 100% điện duy trì các trung tâm hàng nghìn m2. EKOCENTER còn là nơi cung cấp các dịch vụ miễn phí cho cộng đồng từ Wifi, nước tinh lọc có thể uống ngay được, sân chơi thể thao, nơi sinh hoạt chung và một ki-ốt bán nhu yếu phẩm…

Với sự tuân thủ các cam kết với người tiêu dùng cùng hệ thống quản lý chất lượng, quy trình sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, theo Coca-Cola, đây là động thái thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực của công ty trong việc phát triển kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.