22:01 18/01/2017

Đề xuất thuế môi trường xăng lên 8.000 đồng/lít: Bộ Tài chính nói gì?

Bạch Dương

Đại diện Bộ Tài chính vừa lên tiếng về Dự thảo sửa đổi Luật thuế bảo vệ môi trường với việc điều chỉnh khung thuế của xăng dầu

Ông Vũ Khắc Liêm trả lời báo chí về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Ông Vũ Khắc Liêm trả lời báo chí về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, trong đó khung thuế với xăng tăng từ 4.000 - 8.000 đồng/lít, nhiên liệu bay lên 3.000 - 6.000 đồng/lít, dầu diesel (1.500 - 4.000 đồng/lít), dầu hoả (300 - 2.000 đồng/lít), dầu ma zút (900 - 4.000 đồng/lít), dầu nhờn (900 - 4.000 đồng/lít), mỡ nhờn (900 - 4.000 đồng/kg).

Đại diện Bộ Tài chính, ông Vũ Khắc Liêm, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cho biết, một trong những lý do cho đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường là để cơ cấu lại ngân sách trong bối cảnh hội nhập, các dòng thuế bị cắt giảm.

Vị này cho hay, khoảng 10 năm trước đây, thu thuế phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất nhập khẩu với các loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhưng, hiện nay, việc hội nhập sâu rộng đã khiến các phần thu thuế trước kia bị hụt dẫn đến cơ cấu thu bị thay đổi.

“Đây chỉ là khung thuế điều chỉnh vào Luật để sau này có những điều chỉnh về mức thu chi phù hợp với quá trình hội nhập còn mức áp dụng cụ thể với từng thời kỳ sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành”, ông nói và cho biết Bộ Tài chính đang tính khung thuế trên khi thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ về 5% và 0% thì áp dụng, đảm bảo giá xăng dầu không thấp hơn các nước xung quanh.

“Hiện mới trình khung thuế từ 4.000-8.000 đồng, còn mức tăng thì phải tính từng thời điểm, nhất là còn phải trình Quốc hội, phải họp bàn, thảo luận rất nhiều”, ông Liêm cho hay.

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng việc dự thảo tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch trần 8.000 đồng sẽ gây khó khăn tác động liên hoàn đến nền kinh tế, lạm phát, sức cạnh tranh quốc gia.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, giá xăng chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành vận tải. Trong bối cảnh giá xăng đã tăng trở lại, phí BOT tăng, chi phí cầu đường đã ảnh hưởng rất lớn đến phí vận tải, ảnh hưởng đến cạnh tranh doanh nghiệp.

Ông tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng lên 8.000 đồng lợi nhuận doanh nghiệp vốn đã thấp sẽ sụt giảm thêm 30%, thậm chí tình hình mất đơn hàng sẽ khiến công ty lâm vào thua lỗ.

Do đó, nhiều doanh nghiệp, chuyên gia đã đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét lại việc tăng thu bằng các nguồn khác như giảm tải phương tiện cá nhân, xem xét thu thuế môi trường với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành ô nhiễm hiện nay như thép, hoá chất, nhiệt điện…thay vì để người dân gánh.

Về vấn đề trên, ông Liêm cho biết, đây mới là lộ trình xin ý kiến vậy thôi quyết định cuối cùng thuộc Quốc hội.

"Nguyên tắc điều chỉnh thuế là phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, sức cạnh tranh của nền kinh tế, khả năng chịu đựng của doanh nghiệp thế nào chứ nếu tăng mà ảnh hưởng đến cạnh tranh quốc gia, giảm cạnh tranh hàng hoá thì không ổn. Bộ Tài chính vẫn đang thực hiện theo Nghị quyết Chính phủ, ưu đãi về thuế phí, tín dụng chứ không phải Chính phủ bảo hỗ trợ doanh nghiệp mà Bộ Tài chính lại làm ngược lại”, ông Liêm khẳng định.

Đặc biệt, việc thu thuế môi trường nhưng thực tế thu 3 đồng chỉ chi 1 đồng, năm 2016, mức thu thuế môi trường cả nước đạt 42.393 tỷ đồng nhưng chi cho môi trường chỉ đạt 12.290 tỷ đồng vẫn khiến nhiều người băn khoăn vì nói là thu thuế môi trường nhưng lại không dùng đúng mục đích.

Ông Liêm cho biết, hiện nay chi đầu tư cho môi trường tối thiểu 10% tổng thu ngân sách, ngoài ra còn nhiều các loại phí, quỹ và ODA khác…

"Thu thuế chỉ là một biện pháp góp phần bảo vệ môi trường, thuế bảo vệ môi trường nộp vào ngân sách nhà nước chứ không thể nói là trực tiếp chi cho môi trường. Có chi cho môi trường nhưng từ ngân sách nhà nước”, ông Liêm nói và cho biết đầu tư vào môi trường bao gồm rất nhiều khoản như xử lý ô nhiễm chất thải rắn, lỏng, khí, nhiều vấn đề ô nhiễm khác hoặc hỗ trợ chính sách liên quan đến môi trường.

Ngoài ra còn có chi đầu tư cho môi trường là một khoản hoàn toàn khác.

Theo ông Liêm, việc chi đầu tư cho môi trường thuộc phạm vi của một ngành khác nên không thể chi tiêu kiểu "thu đồng nào ra đồng đấy” được.