06:00 12/08/2013

Hà Nội dành 318 tỷ đồng bình ổn giá

Hương Loan

Hà Nội dành 318 tỷ đồng bình ổn giá 7 nhóm mặt hàng thiết yếu trong năm 2013

Theo kế hoạch, toàn thành phố Hà Nội sẽ có 600 điểm bán hàng tập trung ở các 
siêu thị, chợ dân sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thông, vùng xa trung 
tâm.
Theo kế hoạch, toàn thành phố Hà Nội sẽ có 600 điểm bán hàng tập trung ở các siêu thị, chợ dân sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thông, vùng xa trung tâm.
Tại Hội nghị công tác cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Tp.Hà Nội vừa diễn ra, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội dành 318 tỷ đồng bình ổn giá 7 nhóm mặt hàng thiết yếu trong năm 2013.

Theo ông Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội, năm 2013, thành phố sử dụng 318 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất, tạm ứng vốn cho 13 doanh nghiệp. Trong đó, tập trung bình ổn 7 nhóm hàng thiết yếu gồm: gạo tẻ thường (5.500 tấn); thịt lợn (900 tấn); thịt gà (450 tấn); trứng gà, vịt (6 triệu quả); thuỷ hải sản (300 tấn); dầu ăn (1,5 triệu lít); rau, củ (2.000 tấn).

Số hàng bình ổn này đáp ứng bình quân 10% so với tổng mức tiêu thụ của thành phố trong 1 tháng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bằng các nguồn vốn tự có chủ động tăng mức dự trữ lượng hàng thêm 20%. Thời gian thực hiện chương trình từ tháng 7/2013 đến hết tháng 4/2014.

Một điểm khác với những năm trước là năm nay thành phố không thực hiện cân đối cung cầu, ổn định giá cả đối với 3 nhóm hàng thực phẩm chế biến, đường ăn và giấy vở học sinh do lượng hàng hóa dồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến.

Đặc biệt, thành phố sẽ quản lý giá đối với các mặt hàng thuộc danh mục cân đối cung cầu, ổn định giá. Các doanh nghiệp tham gia cân đối cung cầu, ổn định giá cả phải thực hiện đăng ký với Sở Tài chính, đảm bảo giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa cân đối cung cầu, ổn định sát giá thị trường.

Trong trường hợp giá của một hoặc một số loại hàng hoá trên thị trường có biến động kéo dài tối thiểu 15 ngày liên tục, mức tăng từ 15% trở lên và khi doanh nghiệp đã cung ứng hàng hoá ra thị trường vượt lượng hàng hoá dự trữ thì doanh nghiệp báo cáo Sở Tài chính, Sở Công Thương phương án điều chỉnh giá. Mức giá điều chỉnh đảm bảo nguyên tắc thấp hơn 10% giá thị trường.

Điểm nhấn trong chương trình bình ổn giá Tp.Hà Nội năm 2013 là tập trung đưa hàng về khu công nghiệp, khu chế xuất, các bếp ăn tập thể dành cho công nhân, bếp ăn trường học dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; các trường mầm non, đối tượng có thu nhập thấp. Phát triển mạng lưới điểm bán hàng cố định tại các chợ dân sinh, khu dân cư... theo mô hình hợp tác xã liên kết, đại lý. Ưu tiên phát triển mạng lưới thương mại tại khu vực nông thôn. Đảm bảo mỗi doanh nghiệp tăng ít nhất 10% số điểm bán hàng so với thời điểm đăng ký ban đầu.

Theo kế hoạch, toàn thành phố sẽ có 600 điểm bán hàng tập trung ở các siêu thị, chợ dân sinh, đặc biệt là ở khu vực nông thông, vùng xa trung tâm. Cùng với đó, các doanh nghiệp dự kiến tổ chức trên 300 phiên bán hàng lưu động, mở trên 10 phiên chợ Việt trong năm 2013, với quy mô từ 15-20 gian hàng/phiên để bán các mặt hàng Việt Nam chất lượng cao và hàng trong chương trình bình ổn.

Về giải pháp thực hiện, thành phố tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Trong đó chú trọng nhóm giải pháp đẩy mạnh khai thác, thu mua hàng hóa trong và ngoài thành phố, ưu tiên nguồn hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ các tỉnh đưa về Hà Nội, nhằm cung cấp sản phẩm gồm nhóm hàng thịt tươi sống, rau củ quả từ những cơ sở sản xuất uy tín chất lượng trong và ngoài thành phố đến tay người tiêu dùng.. Có các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất để phát triển sản xuất, chăn nuôi tạo nguồn hàng thiết yếu ổn định thị trường thành phố.

Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy mạnh liên kết với các tỉnh nhằm bù đắp lượng hàng thiếu của Hà Nội. Đến nay, Sở Công Thương Hà Nội đã hợp tác với 7 Sở Công Thương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và 6 tỉnh vùng biên giới phía Bắc, một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam trong công tác cung cấp hàng hóa.

Sở cũng tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi trao đổi, ký kết với các vùng cung cấp sản phẩm. Đồng thời, tích cực tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng các biện pháp phòng ngừa, xử lý các trường hợp về đầu cơ hàng hóa bởi đây là nguyên nhân chính của những cơn sốt giá đột biến. Giám sát việc sử dụng nguồn vốn tạm ứng, số lượng, cơ cấu hàng hóa được giao, giá bán của các doanh nghiệp, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ tại các điểm bán lẻ thuộc danh sách tham gia bình ổn thị trường của các doanh nghiệp.

Mặt khác, thiết lập đường dây nóng để người dân, tổ chức đoàn thể, cơ quan báo chí phản ánh, thông tin về Chương trình cân đối cung cầu, ổn định thị trường của thành phố.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)