14:31 06/01/2010

Ngành chăn nuôi sẽ mất “sân nhà”?

Y Nhung

Từ 1/1, thuế nhập khẩu nhiều sản phẩm chăn nuôi giảm đáng kể, có gây khó cho ngành chăn nuôi nước ta?

Từ 1/1, thuế nhập khẩu thịt trâu, bò tươi, đông lạnh từ các nước Australia, New Zealand, Brunei... chỉ còn 15%.
Từ 1/1, thuế nhập khẩu thịt trâu, bò tươi, đông lạnh từ các nước Australia, New Zealand, Brunei... chỉ còn 15%.
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 1/1, thuế nhập khẩu đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi bắt đầu giảm. Điều này đã khiến không ít người lo ngại ngành chăn nuôi của nước ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn.

Ngay từ ngày đầu tiên của năm mới 2010, thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng thực phẩm của nước ta đã được cắt giảm so với mức thuế trước đó từ 1-6%. Trong đó mức giảm chủ yếu là 2-3%.

Cũng từ thời điểm này, các mặt hàng có trong Biểu thuế ưu đãi  nhập khẩu từ Australia, New Zealand, Brunei, Myanmar, Singapore được vận chuyển trực tiếp từ nước xuất khẩu đến Việt Nam, thoả mãn quy tắc về xuất xứ hàng hoá theo quy định của Bộ Công Thương, sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi.

Cụ thể, thuế suất ưu đãi của Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Australia- New Zealand (AANZFTA) trong năm 2010 và 2011, đối với gia cầm nhập khẩu là 5%; thịt trâu, bò tươi, đông lạnh 15%; thịt lợn tươi, đông lạnh 25%; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của trâu, bò 15%; phụ phẩm của gia cầm 20%; cá các loại từ 25-30%...

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam cho rằng: do 50% giá trị nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi của nước ta phải nhập khẩu, cộng thêm mức thuế cao đã khiến cho giá thức ăn chăn nuôi trong nước cao hơn so với các nước trong khu vực khoảng 10-15%. Điều này dẫn tới giá thịt, trứng, sữa trong nước thường cao hơn so với các nước trên thế giới và khu vực khoảng 10-15%. Cá biệt, có mặt hàng còn cao hơn tới 30%.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn nước ngoài đang chiếm tới 75% thị phần thức ăn chăn nuôi của cả nước. “Với tình hình như hiện nay của nước ta, ngành chăn nuôi thực sự chưa có tín hiệu lạc quan nào”, ông Lịch nhận định.

GS.TS Lê Viết Ly, nguyên Phó viện trưởng Viện Chăn nuôi cũng cho hay, chăn nuôi vốn là ngành luôn phải đối mặt với các vấn đề như: khó khăn về đầu ra, bấp bênh về giá cả, đe dọa vì bệnh tật. Nếu thức ăn quá phụ thuộc vào nhập khẩu như hiện nay, sản xuất trong nước không chỉ bị tác động về giá cả mà nhiều khi còn xảy ra tình trạng khan hiếm.

Đứng trước những khó khăn này, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ khó tồn tại, còn những trang trại có quy mô nhỏ, không có hướng đi riêng cũng rất dễ bị phá sản.

Tuy nhiên, trái hẳn với những lo lắng trên, ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khá lạc quan khi nhận định trong năm 2010 ngành chăn nuôi Việt Nam lại có nhiều thuận lợi. Đó là nhu cầu của thị trường trong nước và các nước xung quanh, đặc biệt là Trung Quốc về các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục tăng cao do thu nhập của người dân được cải thiện.

Ở nước ta lượng thịt bình quân/người/năm vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng 28- 29kg. Trong khi các nước như Trung Quốc con số này là 56kg, Hàn Quốc là 50kg, còn ở châu Âu là 80-100kg.

Về khẩu vị, người dân Việt vẫn thích ăn các loại thịt giống bản địa, thơm ngon, chắc hơn thịt qua đông lạnh. Như vậy, chăn nuôi các giống bản địa vẫn được khuyến khích và có cơ hội phát triển.

Cũng theo ông Giao, mặc dù thuế đối với nhiều sản phẩm chăn nuôi có giảm nhưng nếu nhập khẩu những mặt hàng có chất lượng cao, khi về tới Việt Nam mức giá cũng không rẻ hơn so với sản xuất trong nước. “Những sản phẩm có giá rẻ chủ yếu là có chất lượng thấp hoặc sắp hết hạn sử dụng”, ông Giao nhìn nhận.

Vì vậy, nếu công tác kiểm tra, kiểm soát về vấn đề dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện một cách nghiêm ngặt hơn sẽ hạn chế được tình trạng thực phẩm nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào nước ta.

Tuy nhiên, vị cục trưởng này cũng cho rằng, để ngành chăn nuôi Việt Nam thực sự phát triển bền vững thì ngoài việc nâng cao ý thức của người dân về vệ sinh phòng bệnh để giảm thiểu các dịch bệnh cần phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Điều này không chỉ giúp kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn làm giảm đáng kể giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, các cơ quan chức năng cần có những quy định cũng như kiểm tra, kiểm dịch để thực phẩm nhập khẩu vào Việt Nam phải là những sản phẩm có chất lượng cao.

“Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu đối với các nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi là ngô, đậu tương… Ngành nông nghiệp, ngoài việc tăng diện tích trồng ngô cũng đã chú ý hơn tới việc chọn những giống có năng suất cao, chất lượng tốt”, ông Giao cho biết thêm.