12:06 31/07/2015

Nửa tỷ USD xử lý chất thải tại Tp.HCM: Chủ đầu tư nói gì?

Nhật Nam

“Không cần các cơ chế ưu đãi theo quy định, chỉ cần được cấp phép để làm và làm ngay”

Từ năm 2009, lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM đã tới Israel để tìm hiểu thực tế xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma.<br>
Từ năm 2009, lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM đã tới Israel để tìm hiểu thực tế xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma.<br>
Như VnEconomy đề cập ở bài viết trước, công ty Trisun Green Energy (Australia) đang trình và chờ chủ trương của UBND Tp.HCM để có thể triển khai dự án nhà máy xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma với tổng đầu tư 520 triệu USD.

Dự án trên đặt ra trong bối cảnh một số nhà đầu tư (sử dụng công nghệ khác) xin tham gia lĩnh vực này tại một số địa phương, nhưng nhiều năm qua các nhà máy vẫn nằm trên giấy.

Cùng đó, có ý kiến cho rằng chi phí đầu tư công nghệ Plasma rất lớn nhưng hiệu quả kinh doanh không cao.

Chỉ cần phần chất thải tăng thêm

Ngày 29/7, VnEconomy đã trao đổi với ông Huỳnh Văn Trí, Tổng giám đốc Trisun Green Energy, về tính khả thi và cơ hội của dự án.

Ông Trí cho biết, việc sử dụng công nghệ Plasma để xử lý chất thải hiện chưa có và đang cần cho Việt Nam, bởi những giá trị ưu việt và thân thiện với môi trường. Từ năm 2009, Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM đã trực tiếp tiếp cận công nghệ này tại Israel và mong muốn ứng dụng tại Việt Nam.

Tại kết luận mới đây, Sở Tài Nguyên và Môi trường Tp.HCM cũng xác định công nghệ Plasma là phương pháp xử lý chất thải tiên tiến, cần ủng hộ chủ trương triển khai trên địa bàn. Bởi công nghệ này khắc phục được hầu hết các hạn chế trong các phương pháp xử lý chất thải truyền thống.

Thứ nhất, công nghệ Plasma xử lý triệt để tất cả các loại chất thải (ngoại trừ phóng xạ) mà không phát sinh khói hoặc chất thải khác phải xử lý tiếp. Đặc biệt, quá trình xử lý không cần phải phân loại như các phương pháp phổ biến hiện nay.

Thứ hai, theo đề án của Trisun Green Energy, cũng như Sở Tài Nguyên và Môi trường Tp.HCM đánh giá, nhà máy nếu được cấp phép chỉ sử dụng quỹ đất rất nhỏ, khoảng 10 - 15 ha, trong khi một số nhà máy khác đang sử dụng hàng trăm ha để xử lý chất thải bằng chôn lấp.

Ngược lại, với công nghệ Plasma, công ty này tính toán mỗi năm sẽ giúp Tp.HCM giảm thiểu được ít nhất 4 ha trong việc chôn lấp chất thải.

Lợi ích là vậy, nhưng nếu được cấp phép thì… lấy chất thải đâu cho Trisun Green Energy? Vì theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện Tp.HCM đã phân bổ đủ 7.200 tấn/ngày chất thải rắn sinh hoạt cho các nhà máy đã có.

Ông Trí cho biết, nếu được cấp phép, dự án Plasma chỉ cần đầu vào là phần chất thải tăng thêm ước tính cho những năm tới, ngoài 7.200 tấn đã phân bổ xử lý. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tính toán, mỗi năm chất thải rắn sinh hoạt của thành phố phát sinh thêm từ 6 - 8%. Nguồn này chưa phân bổ, và ước tính đến 2018 phần tăng thêm đó đủ cho dự án Plasma hoạt động.

Chỉ cần được làm, không xin ưu đãi

Theo Nghị định số 04/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, dự án của Trisun Green Energy nếu được triển khai sẽ được hưởng nhiều ưu đãi, như được hỗ trợ 10% vốn từ trung ương, 40% vốn từ địa phương, 50% còn lại sẽ được ngân hàng cho vay lên đến 90% trong tổng số vốn cần có…

Tuy nhiên, trao đổi với VnEconomy, Tổng giám đốc Huỳnh Văn Trí khẳng định: “Chúng tôi đã theo đuổi dự án này bốn năm qua, thực sự muốn đầu tư để làm chứ không phải lập đề án để xin ưu đãi. Chúng tôi không xin ưu đãi, chỉ mong được cấp phép để làm ngay, vì nguồn vốn đã tự chủ động hoàn toàn”.

Vừa qua, trước yêu cầu của tổ công tác liên ngành, Trisun Green Energy đã thực hiện chứng minh năng lực tài chính. Cùng đó, công ty này có thêm cam kết từ công ty Weshtinghouse (Mỹ), nhà cung cấp thiết bị Plasma hàng đầu thế giới, đảm bảo tiêu chuẩn thiết bị và công nghệ.

Cũng theo ông Trí, cam kết xây dựng nhà máy xong trong 33 tháng, khi đi vào vận hành, với công suất xử lý 2.000 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, 700 - 1.000 tấn chất thải công nghiệp, nguy hại/ngày, bùn thải các loại từ 1.000 - 2.000 tấn/ngày, công ty tự tin với hiệu quả kinh doanh có được.

Trước hết, với giả thiết tối thiểu xử lý được 500 tấn chất thải sinh hoạt/ngày, nguồn thu dự tính khoảng 32 USD/tấn (mức giá này có thể xác định cụ thể hơn sau đàm phán); các loại chất thải rắn công nghiệp, nguy hại công ty sẽ thu trực tiếp từ chủ nguồn thải mà không sử dụng ngân sách của thành phố.

Với công nghệ Plasma, quá trình đốt gần như hoàn toàn các loại chất thải sẽ chuyển hóa thành điện, bán lại cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với giá 2.114 đồng/kWh, theo Quyết định số 31/2014/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài điện năng, sản phẩm thu được qua quá trình xử lý chất thải là vật liệu xây dựng, không nguy hại cho môi trường và tạo thêm nguồn thu cho công ty.

“Càng xử lý được nhiều chất thải thì hiệu quả và nguồn thu của nhà máy càng cao. Tại Việt Nam, chúng tôi vẫn nói vui là có lượng chất thải hấp dẫn hàng đầu thế giới, vì chưa có công nghệ Plasma để xử lý triệt để, trong khi các nước tiến tiến họ đã làm rồi, đến mức “khan hiếm” chất thải để đầu tư xử lý”, ông Trí nói thêm.

Về tình trạng nhiều dự án xin đầu tư vào lĩnh vực này nhưng nhà máy vẫn nằm trên giấy, ông Trí khẳng định rằng, ngay khi được cấp phép, công ty sẽ ký quỹ ngay 5 triệu USD và sẵn sàng mất nếu không triển khai.

Và nếu được cấp phép, trước mắt công ty sẽ tuyển kỹ sư và cử đi đào tạo tại Mỹ. Về lâu dài sẽ phối hợp với trường đại học chuyên ngành để có thể đạo tạo được đội ngũ kỹ sư ngay trong nước, vì hiện Việt Nam vẫn còn hạn chế đội ngũ kỹ sư chuyên ngành xử lý chất thải bằng công nghệ Plasma.