23:48 25/05/2012

Phía sau bước tăng mạnh của nhập siêu tháng 5

An Nhi

Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu của Việt Nam tháng 5/2012 ước tính 700 triệu USD, là mức cao kể từ cuối năm 2011

Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất ngành dệt may đã tăng đáng kể trong tháng 5.
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng đầu vào cho sản xuất ngành dệt may đã tăng đáng kể trong tháng 5.
Theo Tổng cục Thống kê, nhập siêu của Việt Nam tháng 5/2012 ước tính 700 triệu USD, là mức cao kể từ quý 4/2011.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 5/2012 ước đạt 9,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt khoảng 3,72 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 5,38 tỷ USD.

Ngành hàng dệt may tiếp tục nắm giữ ngôi vị quán quân với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 69 triệu USD so với tháng trước. Đứng thứ hai là mặt hàng điện thoại và linh kiện với 650 triệu USD, giảm 15 triệu USD. Dầu thô là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tháng này cao thứ ba khi ước đạt khoảng 600 triệu USD, giảm 49 triệu USD.

Đáng chú ý là ngoài dệt may, giày dép và nhóm sản phẩm điện tử, máy tính có kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng liền trước thì một số ngành hàng lớn khác lại giảm.

Trong khi đó, ngành nông nghiệp đang cho thấy những khó khăn khi hai sản phẩm chủ lực là gạo và cà phê cùng bị sụt giảm 40 triệu USD; đồng hành với sự ảm đạm của thị trường trong nước, ngành công nghiệp ôtô, xe máy cũng gặp khó khăn trong lĩnh vực xuất khẩu khi giảm 34 triệu USD (đạt 420 triệu USD)…

Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch nhập khẩu tháng 5/2012 ước đạt 9,8 tỷ USD, tăng 841 triệu USD so với tháng 4. Khá trùng hợp là kim ngạch nhập khẩu đối với hai khối kinh tế trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài tháng này bằng nhau, cùng đạt mức 4,9 tỷ USD.

Như vậy, trong tháng 5/2012, nhập siêu đã tăng mạnh trở lại với 700 triệu USD, sau hai tháng nhúc nhắc trước đó, thậm chí có hiện tượng xuất siêu ở tháng đầu năm. Tính chung 5 tháng đầu năm, nhập siêu là khoảng 622 triệu USD, bằng 1,45% tổng kinh ngạch xuất khẩu. So với cùng kỳ 2011, đó là những con số ở mức rất thấp. Nhập siêu tháng 5/2011 ước tính lên tới 1,7 tỷ USD, bằng 22,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu; tính chung 5 tháng đầu năm 2011 lên tới 6,6 tỷ USD, bằng 19% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.

Nhập siêu 5 tháng đầu năm 2012 có thể xem là đã được kiềm chế ở mức rất thấp. Đây là kết quả tích cực khi đặt trong các cân đối vĩ mô, đặc biệt là việc giảm thiểu áp lực đối với tỷ giá USD/VND với những khả năng bất ổn của nó. Song, nhập siêu thấp như vậy một phần phản ánh nhu cầu nhập khẩu trong nước ở mức thấp, do hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước suy giảm.

Đặt trong khía cạnh đó, sự tăng vọt trở lại của nhập siêu trong tháng 5 này là một tín hiệu đáng chú ý. Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy nó đến từ sự hồi phục của nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước, cũng như các loại máy móc, thiết bị…

Cụ thể, trong tháng 5, đa số các sản phẩm có kim ngạch nhập khẩu tăng là các loại nguyên - phụ liệu, linh - phụ kiện và phương tiện, dụng cụ phục vụ các ngành sản xuất trong nước. Trong đó, các loại nguyên - phụ liệu phục vụ cho ngành dệt may và da giày (ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam) có kim ngạch nhập khẩu tăng khá mạnh từ 277 triệu USD trong tháng 4 lên mức 315 triệu USD; một số mặt hàng đầu vào khác như sợi dệt và đặt biệt là vải cũng tăng đáng kể với 23 và 95 triệu USD so với tháng trước.

Ngoài ra, cũng có thể nhắc đến một số sản phẩm phục vụ cho các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp khác có kim ngạch nhập khẩu tăng đáng kể. Trong đó, phân bón tăng 32 triệu USD, thuốc từ sâu tăng 12 triệu USD; xăng dầu tăng 5 triệu USD, sắt thép tăng 52 triệu USD, kim loại thường khác tăng 60 triệu USD; hay tăng khá mạnh như mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện, tăng tới 276 triệu USD; máy móc, thiết bị và phụ tùng khác tăng 137 triệu USD…

Dự kiến, với chính sách hỗ trợ về thuế bắt đầu triển khai từ cuối tháng 5, cùng với lãi suất liên tiếp được điều chỉnh, có thể hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới sẽ được thúc đẩy, nhu cầu nhập khẩu theo đó sẽ tăng lên và sự trở lại của nhập siêu tiếp tục là một diễn biến cần chú ý.