17:19 10/09/2014

Sẽ chốt về “đường bay vàng” trong tháng 10

Yến Thanh

Bộ Giao thông Vận tải sẽ thành lập tổ công tác liên quan đến đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM

Tổ công tác này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hàng không của Lào,
 Campuchia để thống nhất chủ trương thực hiện đường bay thẳng, và trong 
tháng 10 phải có kết quả cụ thể.
Tổ công tác này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hàng không của Lào, Campuchia để thống nhất chủ trương thực hiện đường bay thẳng, và trong tháng 10 phải có kết quả cụ thể.
Phát biểu tại một cuộc họp sáng 10/9 tại Hà Nội về đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết sẽ thành lập tổ công tác để tiếp tục nghiên cứu và xem xét quy hoạch vùng trời, quy hoạch cảng hàng không để “chốt” về đường bay này, vốn dĩ đã gây tranh cãi nhiều tháng nay.

Tổ công tác này sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan hàng không của Lào, Campuchia để thống nhất chủ trương thực hiện đường bay thẳng, và trong tháng 10 phải có kết quả cụ thể.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; hoàn thành các dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án đang triển khai.

"Cần phải nghiên cứu nắn lại các đường bay cho thẳng hơn, sử dụng hiệu quả hơn, không chỉ đường bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM mà với cả các đường bay khác. Đây là trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan, trước hết là của ngành, với mục tiêu đảm bảo quốc phòng an ninh và hiệu quả kinh tế", ông nhấn mạnh.

Trước đó, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đã báo cáo về tình hình bay kiểm chứng bằng buồng lái giả định (SIM) theo hai phương án đường hàng không thẳng với mực bay và phương thức bay tối ưu so với phương án bay theo đường hàng không hiện đang thực hiện trên thực tế.

Như VnEconomy từng đề cập, với các thông số đầu vào được áp dụng đồng nhất cho thấy, kết quả bay theo đường hàng không thẳng giảm về cự ly 85 km, rút ngắn thời gian được 5 phút và giảm được 190 kg nhiên liệu tiêu thụ.

Trước thông tin này, Bộ trưởng Thăng khẳng định, việc rút ngắn đường bay là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp với mục đích tiết kiệm chi phí để hoạt động hiệu quả nhất, từ đó cung cấp cho người dân dịch vụ chất lượng tốt, giá cả hợp lý.

Trên thực tế, việc rà soát các đường bay đã được tiến hành từ lâu, chẳng hạn đường bay Hà Nội - Phú Quốc sau khi rà soát lại đã tiết kiệm được 21 phút/chuyến bay, chuyến bay này cũng bay qua không phận Lào và Campuchia.

Cho nên, theo ông Thăng, việc bay thẳng Hà Nội - Tp.HCM qua không phận của hai nước này "không phải là lần đầu tiên chúng ta làm, mà đã có tiền lệ rồi”.

Ông Đinh Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, nói hàng năm trong điều kiện thời tiết xấu, máy bay Việt Nam vẫn phải bay sang phía Tây (qua Lào và Campuchia) hơn 100 chuyến.

"Mỗi năm có hơn 10 cơn bão vào Việt Nam, trong đó có 5 cơn bão phải điều chỉnh hướng bay trong khoảng 5 ngày, vì thế các hãng hàng không phải bay tránh bão trên đường bay truyền thống của Campuchia. Bởi vậy, nhìn vào hoạt động khai thác bay thực thế, thì rõ ràng có đường bay thẳng sẽ rất tốt", ông Thắng bình luận.

Trong khi đó, theo ông Phan Xuân Đức, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, 5 năm qua doanh nghiệp này đã thực hiện 20 đường bay nắn chỉnh, tiết kiệm 4.300 giờ bay. Do vậy, dù các chặng bay rút ngắn được 5 phút cũng là rất quý. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế, cần có sự đồng thuận với các nước Lào, Campuchia để điều hành luồng không lưu.