10:43 05/07/2017

Thanh tra gắt gao sản xuất, kinh doanh nông sản

Chu Khôi

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chức kiểm tra đột xuất, xử phạt hàng chục cơ sở

6 tháng đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 3.491 cơ sở sản xuất kinh doanh 
vật tư nông nghiệp, phát hiện 578 cơ sở vi phạm về chất lượng.
6 tháng đầu năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 3.491 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 578 cơ sở vi phạm về chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, Bộ tổ chức 10 cuộc thanh tra chuyên ngành về sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.

Cụ thể, Bộ kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 3.491 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện 578 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp.

Các cuộc thanh tra tập trung vào kiểm dịch động, thực vật; hoạt động quản lý và cấp chứng nhận vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản.

Kết quả đã phát hiện nhiều sai phạm như: chứng nhận ngoài phạm vi được chỉ định; không thực hiện giám sát khi cấp dấu hợp quy cho doanh nghiệp; không đảm bảo điều kiện chứng nhận chất lượng phân bón; chưa có giấy phép trong lĩnh vực phân bón.

Kiểm tra đột xuất, xử phạt hàng chục cơ sở


Trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad) triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 135 cơ sở sản xuất và kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện và xử phạt 30 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt 895 triệu đồng.

Đặc biệt trước tình hình tôm bơm tạp chất tại một số cơ sở sản xuất kinh doanh tôm, các đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp tích cực với Bộ Công an (A86) tiến hành thanh tra đột xuất về sản xuất, kinh doanh tôm bơm tạp chất tại 9 cơ sở thu gom và chế biến tôm tại Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu.

Trong 6 tháng qua, 42/63 tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 10.301 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản, phát hiện 1.107 cơ sở vi phạm và xử phạt tiền 528 vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Trong nhiệm vụ giám sát an toàn thực phẩm và xử lý các sự cố, Nafiqad đã phối hợp với Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật tổ chức giám sát các sản phẩm rủi ro cao tiêu thụ trong cả nước.

Kết quả giám sát trên diện rộng cho thấy không phát hiện mẫu vi phạm chất cấm Salbutamol trong 3.588 mẫu nước tiểu, 603 mẫu thịt tại các cơ sở giết mổ (năm 2016 vẫn phát hiện 0,44% mẫu thịt vi phạm chất cấm Salbutamol).

Tỷ lệ mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu vi sinh vượt mức giới hạn cho phép là 1.571/5.707 mẫu, chiếm 27,5% trong tổng số mẫu xét nghiệm. Tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi vi phạm chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép là 6/1.026 mẫu (chiếm 0,58%), giảm so với năm 2016 (30/2.788 mẫu, chiếm 1,07%).

Các kết quả giám sát cho thấy đã kiểm soát được việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi; tồn dư thuốc kháng sinh trong thịt, thủy sản đã giảm.

Hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn

Những tháng vừa qua, Nafiqad đã chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác về các sự cố an toàn thực phẩm do các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin.

Điển hình như các vụ việc giết mổ lợn chết làm thực phẩm tại Cao Bằng; kho lạnh bảo quản thực phẩm ôi thiu, không bảo đảm an toàn thực phẩm tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hiện tượng bơm nước, tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, vứt xác gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường, thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm kéo dài; sản xuất, kinh doanh ruốc bẩn trên địa bàn Hà Nội, Hưng Yên.

Một số cơ sở nuôi tại Đồng Tháp đã thả nuôi loài tôm hùm nước ngọt (một loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại và chưa được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam).

Các sai phạm đã được xác minh, xử lý. Các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tích cực triển khai thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống.

Trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 3.491 cơ sở, phát hiện 578 cơ sở vi phạm; xử phạt 86 cơ sở. Tại 42/63 tỉnh, thành phố đã kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất 9.455 cơ sở, phát hiện 1.562 cơ sở vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và xử phạt 897 cơ sở.

Các đơn vị đã tăng cường kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm  đối với hàng nông lâm thủy sản nhập khẩu.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kiểm tra 30.691 lô hàng sản phẩm thực vật nhập khẩu, tổng trọng lượng 2.169.897,28 tấn với hơn 100 loại mặt hàng nhập khẩu từ 70 quốc gia. Lấy 192 mẫu (rau, củ, quả, hạt) để phân tích, kết quả không phát hiện mẫu vượt mức dư lượng tối đa cho phép.

Đối với động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu (bao gồm cả thủy sản): tổng số lô kiểm tra là 1.459 lô, xét nghiệm vi sinh vật 2.254 mẫu sản phẩm động vật, tất cả các mẫu đều đạt yêu cầu.

Nafiqad cũng đã góp phần tháo gỡ hiệu quả các rào cản kỹ thuật nhằm giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản. Đến nay, 62 cơ sở chế biến cá tra của Việt Nam được phép tiếp tục xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Mặc dù công tác đảm bảo an toàn thực phẩm có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng Nafiqad cho rằng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm đã được ban hành chưa đi vào thực tiễn sản xuất.

Bởi vậy, cần xem xét nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Việc thực thi hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm ở các cấp địa phương chưa đạt yêu cầu, nguồn nhân lực còn yếu kém.

Kế hoạch trọng tâm 6 tháng cuối năm, phải hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm. Trọng tâm là tiếp tục xây dựng dự thảo Luật Chăn nuôi, Nghị định về quản lý phân bón, Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực phân bón.