18:22 30/11/2010

Thị trường dược và chuyển động từ phía nhà đầu tư ngoại

Minh Quân

Tổng trị giá tiền thuốc đã sử dụng trong năm 2009 tại Việt Nam ước đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2008

Sự kiện giới thiệu công ty đến với các đối tác tiềm năng của Actavis lần này có thể cho là bước dấn sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Sự kiện giới thiệu công ty đến với các đối tác tiềm năng của Actavis lần này có thể cho là bước dấn sâu hơn vào thị trường Việt Nam.
Khoảng trên năm chục vị trưởng khoa dược bệnh viện và giám đốc kinh doanh các doanh nghiệp phân phối dược phẩm hàng đầu tại Việt Nam ngồi chật khán phòng nhỏ tại khách sạn Movenpick chiều 29/11, để tìm hiểu cơ hội hợp tác với Actavis, tập đoàn dược đứng thứ 5 trên thế giới về sản xuất dược phẩm generic.

Doanh nghiệp có 14 nhà máy sản xuất thành phẩm, 1 nhà máy sản xuất hoạt chất với năng lực sản phẩm tới 24 tỷ viên/liều mỗi năm này có thể xem là một tiềm năng thực sự cho các nhà kinh doanh Việt Nam. Nhất là khi Actavis mới đăng ký tại Việt Nam 17 mặt hàng trên tổng số hơn 800 sản phẩm đang lưu hành trên thế giới.

“Chúng tôi đang hướng tới việc tìm kiếm các đối tác lớn để trao quyền sản xuất sản phẩm và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam”, ông Lê Ngọc Thế Phiệt, Trưởng đại diện Actavis tại Việt Nam nói với VnEconomy.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 2007 nhưng sự kiện giới thiệu công ty đến với các đối tác tiềm năng của Actavis lần này có thể cho là bước dấn sâu hơn vào thị trường Việt Nam, với những cam kết mạnh mẽ hơn.

Ông Thomas Runkel, Phó chủ tịch tập đoàn Actavis, không giấu tham vọng khi trình bày một nghiên cứu riêng về thị trường dược phẩm gần đây.

“Điều đáng ngạc nhiên là mặt dù khủng hoảng kinh tế diễn ra với những ảnh hưởng khá nghiêm trọng, nhưng tiêu thụ dược phẩm và giá của sản phẩm này tăng khá mạnh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam”, ông nói.

Theo thống kê của Cục Quản lý Dược, tổng trị giá tiền thuốc đã sử dụng trong năm 2009 tại Việt Nam ước đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2008. Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2009 đạt mức 19,8 USD, tăng khoảng 3,3 USD so với năm 2008.

Cơ quan này cũng cho rằng, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm và đạt giá trị 2ỷ USD vào năm 2012.

Mặc dù việc đón đầu là sóng tăng trưởng của thị trường dược Việt Nam nằm trong một kế hoạch dài hơi của Actavis, tuy nhiên, không phải kinh doanh tại thị trường phát triển luôn dễ dàng, đặc biệt với trường hợp thị trường dược Việt Nam.

Theo ông Phiệt, người dùng thuốc Việt Nam thường quan tâm đến nước xuất xứ sản phẩm mà nhiều khi bỏ qua các thông tin về tiêu chuẩn sản xuất và tiêu chuẩn nhà máy, hai chỉ tiêu quan trọng hơn.

“Hiện nay, nhiều tập đoàn dược phẩm hàng đầu thế giới đều có những tính toán dịch chuyển sản xuất sang các nước có giá nhân công rẻ để nâng cao khả năng cạnh tranh về giá thành sản phẩm. Nếu đánh giá chất lượng thuốc theo xuất xứ quốc gia là không phù hợp”, ông Phiệt cho biết.

Trên thực tế, tại thị trường dược Việt Nam lâu nay vẫn tồn tại tâm lý “sính ngoại”. Thống kê trong quý 2/2010 cho thấy, lượng thuốc nhập khẩu chỉ chiếm 28% nhưng trị giá lên tới 72% toàn thị trường. Thuốc sản xuất trong nước, ngược lại, chiếm 72% về lượng nhưng trị giá chỉ có 28%.

Actavis không che dấu những tính toán từ cơ sở các con số này. Một kế hoạch đang được hướng đến là nội địa hóa sản xuất thông qua hợp tác với doanh nghiệp sản xuất dược trong nước để thâm nhập thị phần sản lượng của thuốc sản xuất trong nước. Nhưng ngược lại, Tập đoàn cũng sẽ nội địa hóa giá thành để thâm nhập thị phần giá trị thuốc nhập khẩu.

Nhiều khả năng đang nằm trong toan tính, lãnh đạo Actavis cũng bỏ ngỏ việc thành lập doanh nghiệp dược 100% vốn nước ngoài, hoặc là mua lại một cơ sở sản xuất trong nước như Tập đoàn này vẫn làm trong quá trình bành trướng toàn cầu nhanh chóng 10 năm qua.

“Những bước kế tiếp của Actavis có thể là thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, xây dựng nhà máy mới, hay mua lại cơ sở sản xuất… Trong kế hoạch của chúng tôi có tính đến các hướng đi như vậy, nhưng trước mắt phải bước từng bước”, Phó chủ tịch Actavis nói.