16:22 17/03/2022

Thiếu hành lang pháp lý đối với mô hình ngân hàng mở

Vì sao "Ngân hàng mở - Open Banking" cho phép mở rộng doanh thu, đáp ứng đa đạng trải nghiệm, kết nối và chia sẻ tài nguyên nhưng ở Việt Nam vẫn chưa thể bùng nổ?...

Đã có nhiều ngân hàng triển khai Open Banking từ 2017 nhưng vẫn hoạt động cầm chừng vì thiếu hành lang pháp lý
Đã có nhiều ngân hàng triển khai Open Banking từ 2017 nhưng vẫn hoạt động cầm chừng vì thiếu hành lang pháp lý

Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) vừa phối hợp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo “Tiềm năng phát triển Ngân hàng mở tại Việt Nam – Những khuyến nghị về chính sách, khuôn khổ pháp lý”.

MÔ HÌNH MỚI VỚI NHIỀU ƯU ĐIỂM

Chia sẻ tại hội thảo, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, ngành tài chính – ngân hàng chuyển đổi số rất tốt, nhờ vậy có nhiều dịch vụ tài chính mới nổi đã vàng đang phát triển. Trong đó bao gồm ngân hàng mở trên nền tảng giao diện lập trình ứng dụng, cho vay ngang hàng (P2P lending), huy động vốn cộng đồng (crowd funding)… Hiện tại, ngân hàng mở có 3 mô hình phổ biến. 

Thứ nhất, mô hình thực cộng, tức là ngân hàng ngoài dịch vụ cốt lõi còn tích hợp thêm các dịch vụ của đối tác thứ ba trong hệ sinh thái và bán hàng cho khách hàng. Đây cũng là mô hình được nhiều ngân hàng tại Việt Nam lựa chọn.

Thứ hai, mô hình bị động. Với mô hình này, ngân hàng sẽ là đại lý, kênh phân phối cho bên thứ ba có quy mô lớn (bigtech). Một vài ngân hàng nhỏ hay quỹ tín dụng có thể phát triển theo mô hình này.

Thứ ba, mô hình tích hợp. Mô hình này tương đối tối ưu và phù hợp với xu thế. Theo đó, ngân hàng sẽ ở thế chủ động, làm chủ nền tảng và có quyền cho phép bên thứ ba kết nối đóng hoặc mở, tùy theo cách thức tiếp cận rủi ro của mỗi ngân hàng.

 

Ngân hàng mở (Open Banking) là hoạt động trong đó ngân hàng cho phép bên thứ ba là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính quyền được truy cập mở vào các dữ liệu cá nhân và tài chính của khách hàng mà ngân hàng lưu giữ thông qua việc sử dụng các giao diện lập trình ứng dụng (API).

Ông Lực nhìn nhận, với mô hình phát triển thứ ba, ngân hàng có thể tiếp cận được nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau, cả ngân hàng và dịch vụ phi ngân hàng cùng lúc.

“Mô hình này tạo ra một hệ sinh thái tuyệt vời cho hệ thống ngân hàng, bao gồm các dịch vụ ngân hàng cơ bản, dịch vụ ngân hàng bổ sung và dịch vụ phi ngân hàng”, ông Lực nói.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá, ngân hàng mở là một mô hình kinh doanh mới và đầy tiềm năng giúp các ngân hàng tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng với chi phí hợp lý thông qua các ứng dụng khác của đối tác, xây dựng các giải pháp kinh doanh tối ưu và cung cấp được dịch vụ toàn diện, tiện lợi nhất cho khách hàng.

Nền tảng ngân hàng mở còn góp phần kết nối và lồng ghép các dịch vụ ngân hàng vào các lĩnh vực của cuộc sống, ví dụ như thanh toán hóa đơn điện nước, viễn thông, thanh toán trong lĩnh vực y tế, giáo dục, dịch vụ công trực tuyến...

Đồng thời, với ngân hàng mở, các ngân hàng có thể tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính cá nhân hóa, từ đó giữ chân khách hàng và tăng lượng khách hàng thân thiết. Ngoài ra, quyền truy cập vào dữ liệu khách hàng còn hỗ trợ cho việc các ngân hàng chấm điểm tín dụng khách hàng một cách chính xác.

CẦN MỘT HÀNH LANG PHÁP LÝ HOÀN CHỈNH

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng mô hình mở tại Việt Nam vẫn chưa thực sự bùng nổ. Theo các chuyên gia đánh giá, nguyên nhân chủ yếu đến từ hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Chia sẻ thực tế, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, ngân hàng đã xác định lộ trình triển khai ngân hàng mở từ năm 2017. Đến nay, 148 dịch vụ của 116 đối tác đã được cung cấp trên ứng dụng VietinBank iConnect và trung bình mỗi tháng có hơn 12 triệu giao dịch tài chính được thực hiện qua nền tảng này.

Tuy nhiên, ông Lân cũng nhấn mạnh, việc triển khai ngân hàng mở gặp rất nhiều khó khăn và thách thức. Đặc biệt là vấn đề hành lang pháp lý cụ thể. Bởi lẽ, hiện nay chưa có quy định hướng dẫn về Open API (những dịch vụ nào, dữ liệu nào các đối tác có thể sử dụng…). Đồng thời, cũng chưa có tiêu chuẩn chung về hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ thông tin, bảo mật, kết nối…

 

Trên thế giới, có 108 quốc gia đã và đang hoàn thiện cơ chế chính sách để cho phép triển khai ngân hàng mở. Riêng trong năm 2021, đã có 1573 ngân hàng cung cấp nền tảng ngân hàng mở (tăng 175% so với năm trước) với 5133 APIs. 85% trong số các ngân hàng này dùng tiêu chuẩn chung để miêu tả và thiết kế APIs.

Ở góc độ quốc tế, theo ông Jonathan Cheung, Giám đốc Open Banking & API, Ngân hàng số, Standard Chartered HongKong, tại các nước Châu Âu, Anh, Úc, việc tham gia vào hoạt động ngân hàng mở là bắt buộc.

Do đó, Chính phủ các nước này đã ban hành quy định pháp luật yêu cầu các ngân hàng phải chia sẻ dữ liệu khách hàng với những đối tác đã vượt qua được vòng sàng lọc. Giải pháp để thực hiện quy định này là Chỉ thị số 2 về các dịch vụ thanh toán PSD2 (Châu Âu), Chỉ thị số 2 về Các dịch vụ thanh toán PSD2 &  OBIE (Anh); Quyền dữ liệu của người tiêu dùng CDR (Úc).

Trái lại, ở các quốc gia Châu Á như Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, ngân hàng có quyền tự chủ trong việc có kết nối với đối tác. Tuy nhiên, các quốc gia này đều có tài liệu hoặc hướng dẫn cụ thể về lộ trình Open API qua các giai đoạn. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển của ngân hàng mở tại các thị trường này.

Từ thực tế trên, về phía nhà điều hành, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các Vụ, Cục chức năng thuộc Ngân hàng Nhà nước đánh giá ngân hàng mở là xu thế và chắc chắn các ngân hàng Việt Nam sẽ đi theo xu hướng Open Banking.

Để làm được Open Banking cần sự phối hợp của nhiều bên liên quan, Phó Thống đốc đã đưa ra lộ trình ngắn hạn trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thành Nghị định 101 và Cục Công nghệ tin học sẽ ban hành thông tư về Open API với  những phần quy định riêng cho lĩnh vực thanh toán nhưng đồng thời sẽ có những quy định chung để tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các dịch vụ khác trong tương lai.

Thống đốc cũng yêu cầu Ủy ban Chính sách Hiệp hội Ngân hàng tiếp tục nghiên cứu chủ đề Open Banking và có những đề xuất cụ thể về các loại hình dịch vụ ngân hàng mở, các dịch vụ có thể được chia sẻ, bên thứ ba tham gia và lộ trình triển khai. Các đơn vị liên quan của Ngân hàng Nhà nước sẽ đồng hành cùng với Hiệp hội Ngân hàng trong quá trình thực hiện để sớm xây dựng được kế hoạch phát triển Open Banking tại Việt Nam.

 

Thế giới hiện có 2 cách tiếp cận chính sách đối với mô hình ngân hàng mở. Liên minh châu Âu, Anh và Úc có quy định bắt buộc ngân hàng phải chia sẻ dữ liệu trong khi tại châu Á như Singapore, Hồng Kông... lại cho phép tự quyết việc ngân hàng có cộng tác với đối tác hay không tuỳ thuộc vào giao dịch cụ thể, ngân hàng cụ thể, hợp tác cụ thể... Do vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, các chính sách và ứng dụng cụ thể sẽ rất hữu ích trong việc xây dựng chính sách cho mô hình ngân hàng mở tại Việt Nam.

Ông Trần Phương - Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam), Phó Tổng Giám đốc BIDV