09:05 09/04/2007

Thiếu kiểm toán cho chứng khoán

Lan Hương

11 công ty kiểm toán sẽ chia nhau kiểm toán cho 195 doanh nghiệp niêm yết và 55 công ty chứng khoán

Một khóa đào tạo kiểm toán viên của Công ty Vaco.
Một khóa đào tạo kiểm toán viên của Công ty Vaco.

Cuối tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Dịch vụ kiểm toán và Tư vấn kế toán BHP đã bị mất quyền được kiểm toán cho các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán, do không đủ số lượng kiểm toán viên theo yêu cầu.

11 doanh nghiệp kiểm toán còn lại được chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được kiểm toán các doanh nghiệp hoạt động trên thị trường chứng khoán cũng đang lâm vào tình trạng khó khăn về nhân lực. Thiếu người dẫn đến thiếu cả công ty kiểm toán cho ngành chứng khoán.

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2006 với làn sóng lên sàn của các công ty cổ phần và thành lập mới công ty chứng khoán đã khiến cho sự thiếu hụt về công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán các tổ chức trên thị trường chứng khoán càng trở nên trầm trọng hơn. 12 công ty kiểm toán nay chỉ còn 11, sẽ chia nhau kiểm toán cho 195 doanh nghiệp niêm yết và 55 công ty chứng khoán đang hoạt động. Sự lựa chọn vốn đã ít nay càng ít hơn.

Theo quy định hiện hành, một công ty kiểm toán thành lập được 3 năm có 10 kiểm toán viên sẽ đủ điều kiện xin Ủy ban chứng khoán Nhà nước cấp phép cho kiểm toán các công ty niêm yết. Để giải quyết tình trạng thiếu công ty kiểm toán cho lĩnh vực chứng khoán, mới đây Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông báo tới các công ty kiểm toán nếu đáp ứng đủ các điều kiện kiểm toán theo quy định có thể nộp hồ sơ về Ủy ban và được xem xét chấp thuận ngay, thay vì trước đây cơ quan này chỉ xem xét chấp thuận hai năm một lần.

Bà Lê Lan Hương, Trưởng phòng Dịch vụ phát triển và tư vấn của hãng kiểm toán và tư vấn quản lý Grant Thornton, cho biết, hãng này cũng đang chẩn bị nộp hồ sơ để kịp đợt xét duyệt vào cuối tháng 4 này. Đây thực sự là tin vui cho các doanh nghiệp kiểm toán.

Tuy nhiên, bà Hương cũng thừa nhận rằng nhân lực đang là một đề tài nóng hổi tại các công ty kiểm toán hiện nay và việc thiếu nhân lực này sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán của các công ty. Hiện nay, các công ty kiểm toán liên tục kêu thiếu nhân lực và sẵn sàng tuyển dụng ngay lập tức nếu gặp một ứng cử viên đủ tài năng và kinh nghiệm.

Ông Đào Xuân Dũng, Giám đốc UHY than rằng chưa bao giờ nhân lực ngành kiểm toán lại bị khủng hoảng như hiện nay. Chứng khoán bùng nổ khiến cho kiểm toán viên cứ lần lượt ra đi. “Nhân lực đang là nỗi đau khổ của các công ty kiểm toán. Các công ty chứng khoán săn nhân lực kiểm toán ráo riết để hình thành bộ khung key person", ông Dũng nói.

Như UHY, hiện có 10 kiểm toán viên đã có chứng chỉ hành nghề thì đã bị các công ty chứng khoán săn mất 2. Nhưng như thế vẫn còn may vì các công ty khác mất nhiều hơn, càng công ty lớn càng bị câu nhiều.

Ông Hoàng Đức Hùng, Giám đốc bộ phận dịch vụ kiểm toán và tư vấn doanh nghiệp, Công ty Tngân hàngH Ernst & Young Việt Nam, cho biết, những người chuyển sang lĩnh vực chứng khoán phần lớn là nữ và phần lớn là những người có từ 3-4 năm kinh nghiệm quản lý và có chứng chỉ hành nghề. Lý do dứt áo ra đi thì có nhiều, do yêu cầu của gia đình, do không chịu nổi sức ép công việc bận bịu của kiểm toán và do cả yếu tố tài chính.

Trước đây, sự dịch chuyển nhân lực từ kiểm toán về ngân hàng thì nay khi thị trường chứng khoán phát triển, chính nhân lực từ hai nguồn: ngân hàng và kiểm toán cùng chảy về chứng khoán. Riêng Ernst & Young Việt Nam, năm 2006 đã bị mất đi 10 kiểm toán viên.

Lời chào mời từ các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư đưa ra thật hấp dẫn. Lương gấp đôi hoặc ít nhất là gấp rưỡi mức hiện tại cộng với quyền mua cổ phiếu ưu đãi. Các vị trí quản lý trong công ty chứng khoán luôn được ra giá với mức lương không dưới 20 triệu đồng/tháng cộng với quyền mua cổ phiếu ưu đãi bằng mệnh giá có thể từ 500 triệu đồngến 1 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, để giữ người, Ernst & Young Việt Nam phải đề ra một chiến lược nhân sự mới để làm sao giữ chân họ trước khi họ có đến quyết định ra đi. Việc quan tâm cả về chính sách tiền lương, thưởng, quyền lợi cũng như trang thiết bị cho nhân viên cũng cải thiện đáng kể. “Trong năm 2006, lương nhân viên tăng khoảng 20%, thiết bị máy móc điều kiện làm việc được cải thiện hơn, đi kèm các khóa đào tạo”, ông Hùng cho biết.

Khủng hoảng nhân lực tài chính của Việt Nam như hiện nay khiến ông Rhys Alan Johnson, chuYên gia tư vấn đào tạo ACCA toàn cầu nhớ đến tình cảnh của các nước Đông Âu và Trung Quốc thời kỳ những năm 90. “Để giải quyết tình trạng này, các nước đã phải chọn giải pháp là thuê nhân công trình độ cao từ các nước như Anh, Mỹ... về làm việc. Giờ đây, chính các nước thiếu nhân lực tài chính cao cấp đó lại trở thành nơi xuất khẩu ngược trở lại chính các nước đã cung cấp các chuyên gia tài chính. Nhưng với Việt Nam điều này khó hơn. Nếu đào tạo nhanh bằng các khóa ngắn hạn thì không đảm bảo. Chính vì vậy, đây là điểm mà các tổ chức đào tạo như ACCA sẽ hỗ trợ các nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực này”, ông Rhys Alan Johnson nói.

Đặc thù của nghề kiểm toán viên là phải có chứng chỉ hành nghề. Để đáp ứng nhu cầu đó, Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA) thiết kế một chương trình đào tạo ngắn hơn. Nếu như lấy bằng ACCA mất 3-4 năm thì khóa học mini này có bằng CAT bao gồm các kiến thức cơ bản nhất phù hợp với cấp độ là trưởng phòng kế toán kiểm toán viên với khoảng thời gian 1,5 năm.