16:53 01/04/2016

10 thanh niên, một người thất nghiệp: Phải trông vào kinh tế tư nhân

Nguyễn Lê

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước

Gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp nằm trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi.<br>
Gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp nằm trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi.<br>
Dẫn báo cáo về tình hình lao động và việc làm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cuối tuần trước, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu nhiều con số mà ông cho là đáng suy ngẫm, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1/4 tại Quốc hội.

10 thanh niên, một người thất nghiệp


Đó là, gần 48% trong tổng số 1,12 triệu người thất nghiệp nằm trong độ tuổi từ 15 - 24 tuổi.

Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong toàn quốc là 6,47%, cao gấp 5 lần tỷ lệ thất nghiệp của những người từ 25 tuổi trở lên.

Con số này đặc biệt cao ở khu vực thành thị với 9,51%, nghĩa là cứ 10 thanh niên trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị có gần 1 người thất nghiệp, ông Lộc nhấn mạnh.

Hiện trạng tiếp theo được đại biểu Lộc đề cập là 17,47 triệu lao động đang làm việc ở khu vực phi chính thức với thu nhập thấp và không ổn định chiếm tỉ lệ 56,4%. Và, tỷ lệ này ở nông thôn cao hơn rất nhiều so với thành phố, chiếm tới 64,1%.

Thiếu việc làm hay như cách nói của thế giới là thất nghiệp trá hình hay bán thất nghiệp đang là vấn đề lớn nhất của nền kinh tế. Để giải tỏa áp lực này, nền kinh tế cần phải tạo ra được hàng chục triệu chỗ làm việc mới, trong thời gian 5-10 năm tới, Chủ tịch VCCI phân tích.

Cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là tư nhân

Với những con số và phân tích nói trên, ông Lộc đề nghị, phải xác định nhiệm vụ tạo việc làm mới, việc làm đàng hoàng cho người dân, phải là một nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm.

Xét về tầm mức ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị, thậm chí chỉ tiêu và nhiệm vụ này còn quan trọng hơn cả nhiệm vụ tăng trưởng GDP hay tăng thu ngân sách trong cả nước và mỗi địa phương, ông nhấn mạnh.

Nhưng, ai sẽ là chủ thể tạo ra việc làm cho nền kinh tế? Đặt ra câu hỏi này, ông Lộc nhấn mạnh, cỗ máy tạo việc làm lớn nhất chính là khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Do vậy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước lớn mạnh để tạo việc làm cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng, để có một Việt Nam phát triển và tự chủ, là yêu cầu sống còn đối với nền kinh tế.

Chủ tịch VCCI tính toán, với mục tiêu có được ít nhất 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020, nếu tính bình quân một doanh nghiệp có thể tạo ra 20 chỗ làm việc cho nền kinh tế, thì với 1,5 - 2 triệu doanh nghiệp, có thể tạo ra 30 - 40 triệu việc làm bền vững ở Việt Nam.

“Con đường dài nhất Việt Nam”

Đề nghị kế hoạch 5 năm 2016-2020 nên là kế hoạch 5 năm khởi nghiệp quốc gia, 5 năm cả nước tập trung sức phát triển doanh nghiệp, ông Lộc cũng đề cập nhiệm vụ của Nhà nước là xây dựng và thực hiện chương trình hành động đáp ứng được yêu cầu, đến năm 2020 cơ bản hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo các tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế.

Và chương trình này phải định vị được, Việt Nam đang ở đâu và sẽ đi về đâu, trong cuộc cạnh tranh phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu, hướng tới mục tiêu bảo đảm chất lượng thể chế ở Việt Nam không thua kém các nước tiên tiến trong ASEAN và các nước láng giềng trong vòng 5 năm tới theo bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới và Diễn đàn Kinh tế Thế giới.

Theo Chủ tịch VCCI, cải cách thể chế phải với tầm nhìn chẳng kém ASEAN ở phương Nam và không thua nước láng giềng phương Bắc. Trên thực tế, với việc quyết định đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU chúng ta đã quyết định vượt lên với tầm nhìn đó.

Ông cũng nêu rõ, Nghị quyết 19 của Chính phủ 2014/2015 đã đề ra chương trình cải cách theo hướng này và bắt đầu triển khai thực hiện có kết quả như một bước thử nghiệm cho thấy, nếu có đủ quyết tâm và kiên trì học hỏi, thì sau một vài năm Việt Nam có thể bắt kịp các nước tiên tiến trong ASEAN, trong cải cách thể chế và hành chính trong nhiều lĩnh vực.

Việc giảm 3/4 thời gian kê khai và nộp thuế từ 537 giờ xuống còn 117 giờ trong vòng hai năm qua của ngành tài chính và những nỗ lực cải cách ở Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng và một số địa phương khác là những ví dụ điển hình.

Song cũng theo ông, “có cử tri nói với tôi rằng, con đường dài nhất ở Việt Nam không phải là từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, mà là từ “lời nói” tới “việc làm” của nhiều cấp chính quyền và công chức”.

Sau phản ánh trên, ông Lộc kỳ vọng, Quốc hội và Chính phủ khóa 14 sẽ là Quốc hội và Chính phủ của “hành động”. Để con đường dài nhất Việt Nam, mãi vẫn là con đường từ Mục Nam Quan cho đến mũi Cà Mau.