17:52 03/11/2016

10 triệu tỷ tái cơ cấu qua lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Nguyên Vũ

Mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là “mục tiêu cần đạt được” để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đọc liền một mạch 30 phút văn bản được chuẩn bị sẵn.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đọc liền một mạch 30 phút văn bản được chuẩn bị sẵn.
Nguồn lực dự kiến thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế ở đây không phải là nguồn lực riêng, mà đặt trong khuôn khổ tổng thể nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.

Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày trước Quốc hội, chiều 3/11, khi hồi âm ý kiến đại biểu Quốc hội về tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo Bộ trưởng, mức dự kiến 10,5 triệu tỷ đồng là “mục tiêu cần đạt được” để tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%, trong đó, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020 dự kiến là 2 triệu tỷ đồng.

Căn cứ được Bộ trưởng đề cập là nghị quyết của Quốc hội khóa 13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020  nêu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm được tính trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng GDP, hệ số ICOR, tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội trên GDP...

Theo đó, để tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7% với hệ số ICOR dự kiến là 5-5,5 thì cần tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 32-34% GDP, tương đương 9-10 triệu tỷ đồng (trong đó năm 2016 tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 1,5 triệu tỷ đồng và kế hoạch 2017 dự kiến khoảng 1,6 triệu tỷ đồng).

“Như vậy, đặt mục tiêu phấn đấu 10,5 triệu tỷ đồng là để quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế mạnh mẽ, quyết liệt hơn”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Ông nói tiếp, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế dự kiến cơ cấu lại tổng vốn đầu tư toàn xã hội theo hướng giảm dần tỷ trọng vốn Nhà nước, trong đó có ngân sách Nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, tăng tỷ trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước, nhất là đầu tư của khu vực tư nhân trong nước.

Vốn Nhà nước  dự kiến giảm từ 39,1% giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 31-34% trong giai đoạn 2016-2020, theo đó, vốn khu vực tư nhân trong nước dự kiến tăng từ 38,3% lên 45-48% tổng đầu tư toàn xã hội.

Bộ trưởng lưu ý, thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nếu chỉ dựa vào số lượng nguồn lực là chưa đủ mà điều quan trọng là phải sử dụng hiệu quả nguồn lực, trước hết là nguồn lực của Nhà nước.

Ông nói, huy động thêm nguồn lực là cần thiết, nhưng mục tiêu của kế hoạch không quá tập trung vào việc làm thế nào để huy động thêm nhiều nguồn lực hơn, mà cần tập trung vào các giải pháp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là hiệu quả đầu tư.

Từ đó, sẽ tạo ra sức lan tỏa cũng như niềm tin để khu vực tư nhân, khu vực FDI tự tham gia, mở rộng đầu tư, làm cho tổng vốn đầu tư tăng lên.

“Nếu chúng ta làm tốt tái cơ cấu, thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội có thể còn tăng cao hơn mục tiêu chúng ta đặt ra. Nếu làm không tốt tái cơ cấu kinh tế, thì thậm chí mục tiêu thấp hơn cũng khó đạt được”, Bộ trưởng nói.