14:49 23/05/2017

Băn khoăn về sự gấp gáp của nghị quyết xử lý nợ xấu

Nguyễn Lê

Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 và điều chỉnh chương trình 2017

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM).
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM).
"Có dư luận cho rằng nghị quyết này có thể giúp một số người thoát khỏi trách nhiệm trong những sai phạm vừa rồi, khiến ngân sách nhà nước phải lãnh mấy chục ngàn tỷ đồng nợ xấu".

Ý kiến này được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) nêu khi Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 và điều chỉnh chương trình 2017 sáng 23/5.

Tại tờ trình về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đã đề nghị bổ sung vào chương trình năm 2017 nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

Đây là các dự án đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết để bổ sung vào Chương trình kỳ họp thứ ba nhằm cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương và nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. 

Theo đó, những quy định để giải quyết những vấn đề tình thế, trong một giai đoạn nhất định sẽ được điều chỉnh trong nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 3. Những quy định nhằm hoàn thiện khung pháp lý tái cơ cấu các tổ chức tín dụng có tính lâu dài sẽ được điều chỉnh trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba, thông qua tại kỳ họp thứ tư.

Chiều 22/5, ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ ba, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình cả hai dự án nói trên.

Thảo luận tại tổ, công nhận tháo gỡ về hành lang pháp lý để xử lý nợ xấu là cần thiết, song đại biểu Trương Trọng Nghĩa rất băn khoăn về việc dự thảo nghị quyết về xử lý nợ xấu được bổ sung vào chương trình khá gấp gáp.

 “Vừa rồi vấn đề nợ xấu gây bất ổn lớn cho xã hội, đã có những quyết định gây tranh cãi về việc chủ trương đã hợp lý chưa, tính hết cái giá phải trả hay chưa. Có dư luận cho rằng nghị quyết này có thể giúp một số người thoát khỏi trách nhiệm trong những sai phạm vừa rồi, khiến ngân sách nhà nước phải lãnh mấy chục ngàn tỷ đồng nợ xấu. Làm sao để cử tri và nhân dân tin tưởng là nghị quyết này không nhằm hoặc không vô tình để lọt, không xử lý những sai phạm đó” - ông Nghĩa phát biểu.

Đại biểu Nghĩa cũng cho rằng cần cân nhắc việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này dưới hình thức nghị quyết mà không phải là luật (có tính phổ quát hơn). 

Hồ sơ dự án nghị quyết được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội cũng cho biết có ý kiến ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem lại quy trình xây dựng nghị quyết vì thời gian gấp nên Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam có công văn trả lời chưa tham gia ý kiến được, Hiệp hội Ngân hàng cũng chưa được lấy ý kiến.

Trong công văn giải trình, cơ quan soạn thảo cũng thừa nhận do thời gian gấp, VCCI không có điều kiện hỏi ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu tác động của dự thảo nghị quyết.

Vẫn theo hồ sơ dự án nghị quyết thì Thường trực cơ quan thẩm tra - Uỷ ban Kinh tế Quốc hội - dù nhất trí áp dụng thủ tục rút gọn đối với việc xây dựng nghị quyết “để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn theo quyết định của Quốc hội” nhưng cũng còn không ít băn khoăn.

Uỷ ban Kinh tế cho rằng, trong tờ trình của Chính phủ, cần phản ánh chính xác tình hình nợ xấu, kết quả xử lý nợ xấu thực chất, nêu rõ, ngắn gọn về các bất cập để đại biểu Quốc hội hiểu, đồng thuận. Đồng thời cần đánh giá, dự báo tác động của nghị quyết sau khi thực hiện đối với xử lý nợ xấu và Chính phủ cần cam kết đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn. Ngoài ra, cần đánh giá tác động của việc thực hiện nghị quyết với các luật liên quan vì có các quy định khác nhau.  

Nhìn nhận về hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật nói chung, nhiều vị đại biểu có chung nhận xét, Chính phủ khi đề nghị bổ sung dự án nào thì lý lẽ rất thuyết phục, khi muốn rút ra khỏi chương trình thì lý do nghe cũng hay ho không kém. Có vị đại biểu cho rằng cần phải xem xét cả trách nhiệm của Quốc hội khi mà luật quy định phải gửi hồ sơ đến đại biểu ít nhất  60 ngày trước khi khai mạc kỳ họp nhưng có dự án chỉ gửi đến trước 6 ngày Quốc hội cũng vẫn chấp nhận.