10:29 14/08/2015

Bỏ quy định không tạm giam với người 70 tuổi trở lên

Nguyên Vũ

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm một số vấn đề của dự án luật.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm một số vấn đề của dự án luật.
Vẫn buộc ghi âm ghi hình khi hỏi cung, nhưng đã bỏ quy định không tạm giam với người 70 tuổi trở lên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn  Văn Hiện cho biết tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự, chiều 13/8.

Đây cũng là đề nghị của đa số ý kiến đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án luật này tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội.

Đồng tình với ý kiến đa số, Ủy ban Tư pháp nêu rõ, thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp trên 70 tuổi còn mua bán ma túy, giết người, hiếp dâm.

Dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ quy định hiện hành là: không tạm giam đối với người già yếu nếu họ có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, Chủ nhiệm Hiện cho hay.

Bắt buộc ghi âm ghi hình là khả thi

Thảo luận tại kỳ họp thứ 9, nhiều ý kiến đại biểu tán thành với dự thảo về quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và đề nghị quy định chặt chẽ về trình tự, thủ tục, về bảo quản, sử dụng kết quả ghi âm ghi hình trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Nhiều ý kiến khác lại đề nghị chỉ nên ghi âm, ghi hình những trường hợp cụ thể, đối với trường hợp phạm pháp quả tang, đơn giản, người phạm tội đã nhận tội...thì không cần thiết phải ghi âm, ghi hình. Có ý kiến không tán thành quy định về bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

Khẳng định việc trang bị ghi âm, ghi hình đối với hoạt động hỏi cung tại các cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra là khả thi, tuy nhiên Thường trực Uỷ ban Tư pháp cho rằng, đã chỉnh lý dự thảo mềm mại hơn.

Đó là, “việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”.

Do trở ngại khách quan không ghi âm ghi hình được thì cần có luật sư hoặc kiểm sát viên thì mới có người giám sát, bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương góp ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng cần mở rộng phạm vi ghi âm ghi hình. Nơi nào lấy cung, tiến hành hoạt động điều tra thì tiến hành ghi âm ghi hình và việc bố trí máy ghi âm ghi hình cũng phải bao quát hết được việc hỏi cung này.

Cũng thống nhất quy định bắt buộc ghi âm ghi, tuy nhiên Viện trưởng Hòa  Bình cho rằng không nên quy định việc phát lại cho bị cáo nghe, vì rất mất thời gian. Cái này thì không nước nào làm, cơ quan điều tra làm việc cả ngày rồi thì không thể ngồi tiếp 8 tiếng nữa để phát lại, ông Bình nói.

Tùy trường hợp mà sử dụng,  nếu không có vấn đề gì thì nên niêm phong để đấy, khi nào cần thì bóc niêm phong để xử lý, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Sơn tham gia.

Nên giao một số hoạt động điều tra cho kiểm ngư

Có nên bổ sung các cơ quan kiểm ngư, thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hay không là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.

Đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Tư pháp đề nghị không bổ sung ba cơ quan nói trên được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Bởi, do địa bàn hoạt động của cơ quan thuế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước gần các cơ quan điều tra chuyên trách, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì có thể chuyển ngay tài liệu, hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Còn trên biển đã có bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan kiểm ngư có thể chuyển cho các lực lượng này là phù hợp.

Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình đề nghị vẫn nên để hai phương án xin ý kiến Quốc hội và cho rằng vẫn nên bổ sung quyền cho kiểm ngư.

"Biển rất mênh mông, nếu có quyền tư pháp là có quyền cưỡng chế rất lớn, kiểm ngư nước ngoài bắt ngư dân ta liên tục, ta thì bó tay", ông Bình nói.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cần cân nhắc ý kiến của Viện trưởng Bình vì một số nước, trong đó có Trung Quốc quy định cơ quan kiểm ngư có quyền rất lớn.