08:06 03/11/2016

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Môi trường đã đến ngưỡng"

Nguyên Vũ

Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.</span>
Chiều 2/11, trong phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà có 10 phút giải trình ý kiến đại biểu.

Trước đó, một số đại biểu đã đề cập bức xúc của cử tri trong vấn đề môi trường.

Đại biểu Trần Công Thuật (Quảng Bình) nói, sự cố môi trường biển làm tan nát cả ngành du lịch chính và các doanh nghiệp du lịch bị điêu đứng, thiệt hại rất lớn. 

Nếu chỉ nghĩ rằng đền bù cho người dân và một vài chính sách hỗ trợ nữa là giải quyết xong hậu quả thì đó là một suy nghĩ, nhận thức chưa được thấu đáo. Cả một nền kinh tế nước nhà bị tụt hậu, suy giảm, không thể khắc phục một sớm, một chiều, ông Thuật nói.

Căn cơ là tái cơ cấu

Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi từ một nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, thâm dụng vào chi phí môi trường. 

"Tuy nhiên, sau một loạt sự cố môi trường chúng ta cũng nhận thấy môi trường đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Chính vì vậy việc đổi mới cơ cấu kinh tế chính là xác lập một vị trí mới của vấn đề môi trường", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, trước đây, môi trường thường đi sau phát triển thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó, trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch. 

Bộ trưởng cho biết sau sự cố Chính phủ đã làm rất nhiều công việc, giải quyết những vấn đề cụ thể, rà soát lại toàn bộ các nguồn thải trên quá trình phát triển kinh tế trước đây. 

Thông tin tiếp theo từ Bộ trưởng là đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở, từ hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp cho đến các ngành xả thải nhiều như khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt, nhuộm.. 

Chúng tôi đã có những con số rất rõ ràng cho thấy trong thời gian tới cần phải có những biện pháp rất quyết liệt, rất nghiêm túc trong vấn đề thực hiện nghiêm Luật bảo vệ môi trường, Bộ trưởng nói.

Nút thắt đất đai

Trước khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà đăng đàn, Quốc hội cũng đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường giải trình.

Theo Bộ trưởng, nút thắt đầu tiên trong phát triển nông nghiệp là tích tụ ruộng đất. Bộ trưởng kiến nghị Quốc hội sửa luật, không có hạn điền thì vấn đề tích tụ sẽ đảm bảo được đến ngưỡng cho phép. 

Đề cập quan điểm "sợ" tích tụ quá lớn, Bộ trưởng cho biết qua kiểm tra hàng chục mô hình vừa qua thì trong thực tiễn sẽ không diễn ra điều này.  Bởi vì người nông dân, doanh nghiệp phải tính quản trị phù hợp với trình độ, không bao giờ tích tụ hơn. 

Về nỗi sợ tích tụ ruộng đất thì người nông dân mất ruộng sẽ không có việc làm, Bộ trưởng nói: trong những mô hình nói trên, 1 hha thuê từ 4 đến 6 công nhân, nông dân sẽ trở thành công nhân nông nghiệp và thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng, tuỳ từng vùng. 

Bộ trưởng Đề nghị Quốc hội bàn để tháo nút thắt này, góp phần để tạo ra hàng hóa sản xuất nông nghiệp với một quy mô nhất định thì mới hội nhập được.

Nút thắt thứ hai Bộ trưởng đề cập là chính sách. Theo ông có ba nhóm chính sách rất quan trọng là làm sao đưa được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hai là chính sách đối với phát triển hợp tác và ba là chính sách riêng cho những vùng dễ tổn thương.

Để tái cơ cấu nông nghiệp, Bộ trưởng kiến nghị vốn trung hạn nên có một gói trực tiếp cho vấn đề này và thay đổi phương thức đầu tư theo hướng đầu tư thẳng xuống 63 tỉnh thành để chủ động một là có nguồn lực Trung ương. Bên cạnh đó cũng cần huy động theo cơ chế PPP thì mới giải quyết được câu chuyện căn cốt về tái cơ cấu của địa phương được và góp phần cho tái cơ cấu chung.