05:19 30/04/2015

Cân nhắc quy định Thủ tướng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân

Nguyễn Lê

Theo Chính phủ, có ba vấn đề liên quan đến kết quả trưng cầu ý dân cần được quy định rõ

Theo Chính phủ, kết quả trưng cầu ý dân cần đảm bảo theo nguyên tắc “quá bán kép” và không có sự phân biệt giữa trưng cầu ý dân về Hiến pháp và trưng cầu ý dân về các vấn đề khác - Ảnh min hoạ. <br>
Theo Chính phủ, kết quả trưng cầu ý dân cần đảm bảo theo nguyên tắc “quá bán kép” và không có sự phân biệt giữa trưng cầu ý dân về Hiến pháp và trưng cầu ý dân về các vấn đề khác - Ảnh min hoạ. <br>
Sẽ được cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp Quốc hội thứ 9 khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, dự án Luật Trưng cầu ý dân vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại phiên họp tháng 2/2015, hồ sơ dự án luật còn thiếu ý kiến của Chính phủ.

Thiếu sót này đã được khắc phục ở hồ sơ gửi đến đại biểu Quốc hội lần này. Tại văn bản góp ý, Chính phủ đã thể hiện nhiều chính kiến liên quan đến các quy định tại dự thảo luật, trong đó có quy định về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Đây cũng từng là vấn đề được tranh luận sôi nổi tại phiên họp tháng 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Khi đó, Hội Luật gia Việt Nam trình hai phương án về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân. Phương án một gồm Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị trưng cầu ý dân.

Ngoài các chủ thể nêu trên, phương án hai mở rộng thêm chủ thể khác cũng có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định như phương án một, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội. Nhiều ý kiến khác cũng tán thành với phương án này và có vị khẳng định dứt khoát phải là và chỉ có tập thể đề nghị chứ không thể là cá nhân đề nghị trưng cầu ý dân.

Ở dự thảo luật gửi đến đại biểu Quốc hội lần này, tại phương án hai còn có thêm cả Thủ tướng Chính phủ.

Bổ sung nói trên cũng phù hợp với quan điểm của Chính phủ tại văn bản tham gia ý kiến về dự án luật.

Chính phủ cho rằng, cần cân nhắc bổ sung quy định Thủ tướng là chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, với vai trò là người đứng đầu Chính phủ, lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính từ nhà nước Trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia.

Bày tỏ sự đồng tình với phương án hai, Chính phủ nhấn mạnh rằng quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội không cản trở Luật Trưng cầu ý dân bổ sung Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền đề nghị trưng cầu ý dân vì luật này là luật chuyên ngành.

Bên cạnh chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân thì kết quả trưng cầu ý dân cũng từng được tranh luận rất căng tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng theo Chính phủ, có ba vấn đề liên quan đến kết quả trưng cầu ý dân cần được quy định rõ.

Thứ nhất là kết quả trưng cầu ý dân cần đảm bảo theo nguyên tắc “quá bán kép” và không có sự phân biệt giữa trưng cầu ý dân về Hiến pháp và trưng cầu ý dân về các vấn đề khác. Và đây cũng là cách thể hiện trong hầu hết luật trưng cầu ý dân của các nước trên thế giới.

Thứ hai, để khẳng định giá trị của kết quả trưng cầu ý dân, đề nghị quy định ngay tại chương 1 dự thảo luật về giá trị của kết quả trưng cầu ý dân, cụ thể là “kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân”.

Thứ ba, đề nghị cân nhắc không quy định như dự thảo luật - kiểm phiếu được tiến hành tại phòng bỏ phiếu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu kết thúc - mà có thể chuyển hòm phiếu lên ủy ban nhân dân cấp huyện để tiến hành kiểm phiếu. Quy định này, theo Chính phủ là để bảo đảm tính hợp lý.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề nghị cân nhắc thu hẹp diện những người bị hạn chế thực hiện quyền trưng cầu ý dân.

Chẳng hạn, những người bị bắt, bị tạm giữ, bị tạm giam chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án được coi là người chưa có tội, do vậy vẫn có quyền được ghi tên vào danh sách cử tri biểu quyết trưng cầu ý dân.

Nếu đến thời điểm bỏ phiếu trưng cầu ý dân nhưng những người này vẫn chưa có bản án kết tội có hiệu lực của tòa án thì họ có quyền biểu quyết trưng cầu ý dân.