15:02 20/11/2014

Chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên

Nguyễn Lê

Luật Căn cước công dân quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên

Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 - Ảnh minh họa.<br>
Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 - Ảnh minh họa.<br>
Qua phiếu xin ý kiến, 61% đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên, còn 21% nhất trí với quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi.

Với kết quả này, Luật Căn cước công dân vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/10 quy định cấp thẻ căn cước công dân cho người từ 14 tuổi trở lên.

Theo quy định của Luật, mặt trước thẻ căn cước công dân có hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; dòng chữ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc; dòng chữ “CĂN CƯỚC CÔNG DÂN”; ảnh, số thẻ căn cước công dân, họ và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; ngày, tháng, năm hết hạn.

Mặt sau thẻ có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa; vân tay, đặc điểm nhân dạng của người được cấp thẻ; ngày, tháng, năm cấp thẻ; họ và tên, chức danh, chữ ký của người cấp thẻ và dấu có hình quốc huy của cơ quan cấp thẻ.

Luật giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể về quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước công dân.

Luật cũng quy định khi thay đổi nơi thường trú công dân không cần đổi thẻ. Nhưng thẻ căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

Liên quan đến số định danh cá nhân, báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật cho biết, có ý kiến đề nghị giao Chính phủ quy định cụ thể cấu trúc số định danh cá nhân. Ý kiến khác đề nghị quy định một số nguyên tắc xác lập số định danh cá nhân hoặc sử dụng số chứng minh nhân dân hiện nay làm số định danh cá nhân.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xác lập số định danh cá nhân phải bảo đảm tính khoa học, tính khả thi, căn cứ vào yêu cầu quản lý và phù hợp thực tiễn.

Do đó, Luật giao Chính phủ quy định cụ thể về cấu trúc số định danh cá nhân là phù hợp.

Luật Căn cước công dân có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016. Theo quy định chuyển tiếp thì chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ căn cước công dân.

Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019.