08:01 01/10/2014

Chính phủ không muốn tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, phường

Nguyễn Lê

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc chiều 30/9 - Ảnh: VOV.<br>
Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc chiều 30/9 - Ảnh: VOV.<br>
Ở quận, phường không tổ chức hội đồng nhân dân là một trong hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 30/9.

Với phương án này, theo Chính phủ, chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do hội đồng nhân dân thành phố, thị xã đảm nhiệm.

Phương án hai là ở quận, phường vẫn tổ chức hội đồng nhân nhân. Hội đồng nhân dân quận, phường ngoài việc thực hiện chức năng đại diện và chức năng giám sát; chức năng quyết định tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ là: thông qua ngân sách, bầu nhân sự của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cùng cấp và thông qua đề án thay đổi đơn vị hành chính ở quận, phường.

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, trước khi trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phải trình Ban chấp hành Trung ương cho ý kiến về mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Theo đó, Chính phủ thiết kế cả 2 phương án, song đề nghị thực hiện phương án không tổ chức hội đồng nhân dân ở quận, phường.

Nếu phương án này được chọn, Chính phủ đề nghị dự thảo luật quy định chủ tịch ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp bổ nhiệm các thành viên ủy ban nhân dân quận, phường.

Tuy nhiên, dự thảo luật vẫn có phương án hai là chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố trực thuộc trung ương trình hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn thành viên ủy ban nhân dân quận và thành viên ủy ban nhân dân phường thuộc quận. Còn chủ tịch ủy ban nhân dân thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trình hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn thành viên ủy ban nhân dân phường trực thuộc.

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng của quốc gia. Tán thành việc trình Quốc hội hai phương án về mô hình tổ chức chính quyền địa phương như trên nhưng cơ quan thẩm tra đề nghị cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

Nhiều ý kiến thành viên Ủy ban đề nghị cân nhắc tên gọi ủy ban nhân dân ở quận, phường nơi không tổ chức hội đồng nhân dân để bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp và tránh hiểu lầm với ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội đồng nhân dân.

Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, dự thảo luật cần quy định một số vấn đề có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như điều kiện, trình tự thành lập, giải thể, mô hình tổ chức chính quyền địa phương tại các đơn vị này… Còn những nội dung đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế hoạt động cũng như các chính sách ưu đãi đối với các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt thì sẽ do Quốc hội quyết định khi thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đó.

Vì theo quy định của Hiến pháp thì đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cũng là một loại đơn vị hành chính của Việt Nam.

Đồng ý là dự luật đã có thể trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 sẽ khai mạc ngày 20/10, song ý kiến thảo luận còn nhiều băn khoăn.

Một số ý kiến nhận xét quy định về mô hình chính quyền địa phương còn khó hiểu.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng mô hình chính quyền địa phương là nội dung quan trọng nhất của dự luật, song tờ trình của Chính phủ vẫn đưa ra hai phương án mà chưa phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

Cũng theo Phó chủ tịch thì Luật Tổ chức chính quyền địa phương vẫn phải bao hàm những quy định có tính nguyên tắc về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt