17:12 21/09/2016

Chính phủ liêm chính sẽ chống tham nhũng thế nào?

Nguyễn Lê

"Đã nói Chính phủ liêm chính thì phải đưa ra các giải pháp để thực hiện được điều đó"

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu góp ý báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu góp ý báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ.
Đã nói Chính phủ liêm chính thì phải đưa ra các giải pháp để thực hiện được điều đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu góp ý về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 của Chính phủ.

Chiều 21/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về báo cáo này, cùng với các báo cáo của các cơ quan tư pháp.

Trước đó, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga, trong báo cáo thẩm tra của uỷ ban này đã chỉ ra hàng loạt những cố tật trong báo cáo của Chính phủ. Mà, nổi bật là chưa chỉ rõ địa chỉ của tồn tại, hạn chế và trách nhiệm cá nhân của người có thẩm quyền.

Dù, trong nhiều phiên thảo luận đại biểu Quốc hội khóa 13 đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến hoạt động của bộ máy nhà nước trì trệ, nhất là tình hình tham nhũng còn nghiêm trọng là do trong nhiều năm các Báo cáo này vẫn còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, đánh giá chung chung: “có nơi”, “có lúc”, “có địa phương”, “có một bộ phận cán bộ, công chức”…. mà không có địa chỉ cụ thể nên không có tác động để chỉnh đốn, thay đổi. 

Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị: Phải phân định rõ ràng trách nhiệm tập thể với trách nhiệm của từng cá nhân có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng khi xảy ra sai phạm, không quy được trách nhiệm cá nhân, lấy trách nhiệm tập thể làm nơi ẩn tránh an toàn cho trách nhiệm cá nhân, bà Nga nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra cũng nhắc lại thông điệp được nhắc đi nhắc lại từ khi Chính phủ có Thủ tướng mới đó là xây dựng một Chính phủ liêm chính.

Tại báo cáo của mình, Chính phủ viết: Chính phủ khẳng định quyết tâm hành động nhằm thể chế hóa quan điểm về xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính. Trong đó trọng tâm là gỡ bỏ các rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực của đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. 

Cơ quan thẩm tra viết: "Để xây dựng một Chính phủ liêm chính, cơ quan tư pháp liêm chính như cam kết trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì trước hết phải có thay đổi đột phá trong đánh giá đúng, thực chất tình hình tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra địa chỉ cụ thể của những tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực nào, địa phương nào và trách nhiệm thuộc về cá nhân nào".

Thể hiện sự đồng tình với báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu góp ý báo cáo của Chính phủ chưa nêu bật được sự tiến bộ cũng như những cái trầm trọng hơn của công tác phòng chống tham nhũng.

Chủ nhiệm Giàu cũng tỏ ra băn khoăn, khi phần nhận xét đánh giá, Chính phủ nói công tác phòng chống tham nhũng đã thúc đẩy sự chuyển biến rõ nét trên hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân. 

Nhưng liền sau đó lại đánh giá tham nhũng vẫn đang diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và chưa bị đẩy lùi. Công tác phòng chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra và vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Và những yếu kém được Chính phủ nêu thì "toàn diện", vẫn theo nhận xét của ông Giàu.

Góp ý tiếp theo từ chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại là, đã khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo thì báo cáo cần nói được nội hàm của liêm chính, cần đưa ra các giải pháp để thực hiện được mục tiêu này.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phân tích, Chính phủ nhận định mô hình, tổ chức các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng chưa ổn định, thiếu tính hệ thống, chưa đủ mạnh. Đây là hạn chế, nhưng Chính phủ lại chưa có kiến nghị gì để khắc phục hạn chế đó, ông Định nói.