16:52 09/10/2014

Chủ tịch Quốc hội lo cho ngân sách

Nguyên Hà

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh tình trạng hiện nay phải vay để đảo nợ

Nhấn mạnh tình trạng hiện nay phải vay để đảo nợ và sang năm nợ công dự kiến đến 64%, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, đến năm 2106 lấy gì mà bội chi, mà đầu tư cho phát triển?
Nhấn mạnh tình trạng hiện nay phải vay để đảo nợ và sang năm nợ công dự kiến đến 64%, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, đến năm 2106 lấy gì mà bội chi, mà đầu tư cho phát triển?
Tăng trưởng 5 - 6% thì lạm phát cỡ 4 - 5% là hợp lý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội, ngân sách của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/10.

Kết thúc vào buổi trưa thay vì kéo dài cả ngày như dự kiến, nên phần lớn thời gian của phiên họp dành cho trình bày báo cáo.

Là người phát biểu sau cùng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhìn nhận kết quả của 2014 trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại là khá toàn diện.

Đây là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và các doanh nghiệp, đặc biệt là sự chỉ đạo điều hành sát, năng động, bài bản cụ thể của Chính phủ và các cấp các ngành, ông nói.

Đánh giá về sự yếu kém của nền kinh tế, Chủ tịch nhấn mạnh lạm phát cỡ 4 - 5% là hợp lý nhưng chưa phải yên tâm, bên cạnh đó nợ công là mối đe dọa trong khi sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn rất chậm và rất yếu.

Lo ngại của Chủ tịch Quốc hội tập trung nhiều ở thu - chi ngân sách với nhận xét “cân đối ngân sách chưa tích cực, không nói đến từ là rất xấu”.

Với con mắt của một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông cho rằng cơ cấu ngân sách 72% chi thường xuyên còn có gần 30% vừa trả nợ vừa đầu tư phát triển là rất xấu.

Nhấn mạnh tình trạng hiện nay phải vay để đảo nợ và sang năm nợ công dự kiến đến 64%, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi, đến năm 2106 lấy gì mà bội chi, mà đầu tư cho phát triển?

Đề nghị trở lại cơ cấu ngân sách 50% chi thường xuyên, 30% chi đầu tư và 20% chi trả nợ, Chủ tịch lưu ý.

Cơ bản tán thành các chỉ tiêu của 2015, song ông băn khoăn về con số tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 28% GDP theo dự kiến của Chính phủ.

Tối thiểu phải 30%, tính thế nào thì tính và lấy tiền ở đâu thì lấy phải trên, chứ không được dưới 30%, ông nhấn mạnh.

Cân đối ngân sách nhà nước không bố trí đủ vốn đầu tư để phục vụ tăng trưởng cho các năm tiếp theo cũng là quan ngại được Ủy ban Kinh tế nêu tại báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Tình trạng đã phải sử dụng hết các tiềm lực tài chính công, huy động nguồn trái phiếu Chính phủ ở mức cao và cả việc sử dụng bội chi để bù đắp chi thường xuyên được cơ quan thẩm tra nhìn nhận là ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội không chỉ cho năm nay.

Nhìn cả quá trình từ 2011 đến nay, Ủy ban Kinh tế cho rằng tổng mức đầu tư toàn xã hội theo nghị quyết của Quốc hội là khoảng 33,5-35% GDP, còn theo báo cáo của Chính phủ thì năm 2014 là 30,1%, kế hoạch năm 2015 là 27,7% và dự báo 5 năm là 30,1% so với kế hoạch 5 năm là quá thấp.

Mức này phản ánh môi trường kinh doanh chưa hấp dẫn, chưa tạo được niềm tin cho nhà đầu tư, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra cũng đề cập một nội dung đã được nhiều chuyên gia kinh tế mổ xẻ. Đó là, tích lũy đầu tư được cân bằng, nhưng vẫn phải vay để chi đầu tư, cho thấy một phần không nhỏ tích lũy đã không được chuyển vào đầu tư sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến chỉ tiêu CPI, cơ quan thẩm tra nhắc lại yêu cầu theo nghị quyết của Quốc hội là khoảng 5-7% vào năm 2015, còn năm 2014 là khoảng 7%.

Trong 8 tháng đầu năm 2014 chỉ số CPI chỉ tăng 1,84% và dự kiến cả năm chỉ tăng 4,5%-4,7% là đạt kế hoạch. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng kết quả này là biểu hiện các chính sách kinh tế có phần thắt chặt đã tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, việc làm, thu ngân sách, nợ xấu, tăng trưởng, làm giảm tổng cầu, báo cáo thẩm tra nêu rõ.