11:52 23/03/2017

Cổ phần hoá 2 tháng đầu năm và con số 0 tròn trĩnh

Lê Hường

Mới chỉ có ít trường hợp bị "điểm tên" chậm cổ phần hoá dẫn đến bị xử lý công tác

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa cập nhật được thông tin về việc xử lý các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp chậm tiến hành cổ phần hoá.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa cập nhật được thông tin về việc xử lý các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp chậm tiến hành cổ phần hoá.</span>
Hai tháng đầu năm nay, không có doanh nghiệp nào được cổ phần hóa. Sau con số 56 doanh nghiệp ì ạch cổ phần hoá trong năm ngoái, số 0 tròn trĩnh của hai tháng đầu năm cho thấy những kỳ vọng và nỗ lực thúc đẩy quá trình này vẫn chưa đạt hiệu quả. 

Ngoài những nguyên nhân khách quan từ cung-cầu thị trường, một lý do rất “cũ” là tâm lý chậm ngại thay đổi của người đứng đầu các doanh nghiệp. 

Quá trình cổ phần hoá đã và đang diễn ra chậm chạp trong thời gian qua. Tại nhiều hội nghị về thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và một số bộ đã chỉ thẳng nguyên nhân chủ yếu là người đứng đầu không tích cực trong việc thúc đẩy công việc này. 

Để chữa “chứng ngại cổ phần hoá”, từ nhiều năm nay, chủ trương xử lý người đứng đầu các doanh nghiệp chậm cổ phần hoá đã được đặt ra. Tuy vậy, mặc dù số lượng doanh nghiệp chưa cổ phần hoá rất nhiều song rất ít cá nhân bị xử lý vi phạm. 

Lãnh đạo không muốn cổ phần hoá

Số liệu từ Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2017 cả nước chưa thực hiện cổ phần hóa được đơn vị nào. Các đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp theo Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 – 2020. Trước đó, năm 2016 chỉ có 56 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong giai đoạn 2011 – 2015, cả nước đã cổ phần hóa 508 doanh nghiệp. Tiến độ thực hiện thời gian qua luôn lỗi hẹn với kế hoạch được đề ra. 

Tại hội nghị cổ phần hoá cuối năm ngoái, nguyên nhân chậm cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước do tâm lý e ngại bị ảnh hưởng đến vị trí lãnh đạo của cán bộ quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã được nhắc đến. Ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã gọi thẳng tên, đó là vấn đề của các “ông chủ giả” - những người làm chủ doanh nghiệp bằng tiền của Nhà nước.

 “So với các ông chủ thật, thì tiêu chí bảo toàn vốn nhẹ nhàng hơn nhiều. Lãnh đạo doanh nghiệp chỉ cần không lỗ thì vẫn tồn tại được, nên cũng không cần thiết phải đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa để trở thành người làm thuê, để chạy theo các chỉ tiêu 10 - 15% cổ tức mà cổ đông giao”, ông Nghị không ngần ngại đặt thẳng vấn đề sau các kinh nghiệm từ cổ phần hóa Vinatex. 

Khẳng định với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) từng nói: “Một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ bán vốn nhà nước thấp là do lãnh đạo doanh nghiệp không muốn cổ phần hoá, không muốn bán nhiều cổ phần. Dư âm của Bộ Giao thông Vận tải là sau khi bán vốn nhà nước cho tư nhân, lãnh đạo doanh nghiệp không có việc làm, phải về bộ nên nhiều doanh nghiệp co cụm lại. Tư tưởng không thông thì không thể cổ phần hoá tốt được”. 

Xử lý mạnh hiện tượng “câu giờ”

Để giải quyết vấn đề trên, ngay từ đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 nêu rõ nội dung xử lý trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN. 

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng; xử lý nghiêm lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước, người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không nghiêm túc thực hiện, hoặc thực hiện không có kết quả sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và nhiệm vụ được giao trong quản lý, điều hành doanh nghiệp; trường hợp thực hiện không đúng quy định, sai mục đích, kém hiệu quả, gây thất thoát, thua lỗ vốn và tài sản của Nhà nước thì phải bồi thường và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Mặc dù việc xử lý trách nhiệm cá nhân được đề cao như vậy nhưng suốt thời gian qua, chỉ có ít trường hợp bị điểm tên về việc chậm cổ phần hoá dẫn đến bị xử lý công tác.  

Bên cạnh đó, các quy định về chế tài xử lý lãnh đạo chậm tiến hành cổ phần hoá cũng chưa được nhắc đến nhiều tại các văn bản pháp luật. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định về cổ phần hoá nhà nước với kỳ vọng tạo khung pháp lý chặt chẽ và đẩy mạnh được quá trình này. Song, Dự thảo Nghị định này cũng không hề có nội dung đề cập đến việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu. 

Trao đổi về nội dung này, ông Đặng Quyết Tiến cho biết, đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa cập nhật được thông tin về việc xử lý các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp chậm tiến hành cổ phần hoá. “Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành kiểm tra, kiểm toán việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 nên Bộ Tài chính không tổ chức đoàn kiểm tra mà chỉ thực hiện chức năng giám sát và cảnh báo”. 

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nói: “Rất cần xử lý trách nhiệm một số lãnh đạo câu giờ trong việc cổ phần hoá. Phải kỷ luật và nêu tên để làm gương cho các lãnh đạo khác, biện pháp này chắc chắn sẽ khiến nhiều doanh nghiệp không thể trù trừ cổ phần hoá”.