21:14 11/10/2014

Có quy định khiến cả làng báo trong nước vi phạm

Nguyên Hà

Không ít quy định tại Luật Báo chí chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí ở Việt Nam

Theo cơ quan giám sát thì báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng hoặc phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ. 
Theo cơ quan giám sát thì báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng hoặc phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ. 
Như VnEconomy đã đưa tin, kết quả giám sát việc thi hành Luật Báo chí của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có đủ các mảng sáng, tối của bức tranh báo chí Việt Nam.

Đáng chú ý là cơ quan giám sát đã chỉ ra không ít quy định tại Luật Báo chí chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động báo chí.

“Cả làng” vi phạm

Quy định về trách nhiệm của báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân là một trong số đó.

Báo cáo giám sát dẫn quy định tại điều 5 Luật Báo chí: “Cơ quan báo chí có trách nhiệm: 1) Đăng, phát sóng tác phẩm, ý kiến của công dân; trong trường hợp không đăng, phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do; 2) Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến”.

Thực tế cho thấy, quy định này thiếu tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng vi phạm, Ủy ban khẳng định.

Bởi, theo cơ quan giám sát thì báo chí không thể đăng hoặc phát sóng mọi tác phẩm, ý kiến của công dân, đồng thời cũng không có khả năng trả lời từng công dân và nêu rõ lý do không đăng hoặc phát sóng tác phẩm, ý kiến của họ.

Mặt khác, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo các báo nhận được là rất lớn, nếu các cơ quan báo chí không chọn lọc mà đăng tải hoặc phát sóng toàn bộ thì làm tăng trang báo, tăng thời lượng phát sóng một cách không hợp lý.

Hơn nữa, cơ quan báo chí cũng không thể đăng hoặc phát sóng các ý kiến khiếu nại, tố cáo chưa qua điều tra, xác minh, cũng không đủ biên chế và điều kiện để điều tra, xác minh vụ việc theo đơn thư gửi đến mà thông thường, chỉ có thể làm công văn chuyển đơn của công dân đến cơ quan hữu quan xử lý.

Chỉ ra một số quy định chồng chéo và thiếu thống nhất, báo cáo giám sát cũng lấy dẫn chứng về bổ nhiệm lãnh đạo cơ quan báo chí.

Cụ thể, điều 12 Luật Báo chí quy định: “Cơ quan chủ quản bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu cơ quan báo chí trực thuộc sau khi trao đổi ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí”. 

Trong khi đó, điều 6 Nghị định 51/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí lại yêu cầu, cơ quan báo chí phải thỏa thuận với cơ quan quản lý nhà nước khi bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức cả cấp phó của người đứng đầu.

Lo cho báo điện tử

Báo cáo giám sát cho biết, hiện nay cả nước có 96 cơ quan báo điện tử được cấp phép. Ngoài ra, có 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí.

Kết quả giám sát cho thấy nhiều quy định quản lý báo chí không phù hợp khi áp dụng với loại hình báo điện tử. Ví dụ, báo điện tử không xuất bản theo kỳ mà cập nhật tin, bài đến từng phút nên khi phát hiện sai sót, có thể chỉnh sửa hoặc gỡ bỏ từng phần, thậm chí gỡ bỏ cả bài ra khỏi trang báo. Do vậy, rất khó xác định bản nào được coi là bản gốc để lưu chiểu, lưu trữ cũng như khó có căn cứ để khởi kiện hoặc buộc cải chính khi báo có sai phạm.

Một đặc điểm được cơ quan giám sát nhấn mạnh là đáng chú ý của báo điện tử là khả năng tương tác tức thời với độc giả. Báo có thể nhận được ngay ý kiến phản hồi đối với từng bài báo hoặc tổ chức các diễn đàn trực tuyến, thu hút công chúng tham gia, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian.

Bản thân các báo điện tử cũng luôn có nguy cơ bị kẻ xấu chèn thông tin không lành mạnh, ngoài ý muốn, làm ảnh hưởng đến uy tín của báo và gây nhiễu loạn thông tin, báo cáo viết.

Liên quan đến bản quyền trong hoạt động báo chí, Ủy ban đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực báo chí diễn ra phổ biến và ngày càng gia tăng, chủ yếu đối với báo hình và báo điện tử.

Một thực tế được nhìn nhận tại báo cáo giám sát là các báo điện tử và trang thông tin điện tử thường tự ý lấy tin, bài, hình ảnh của báo khác mà không xin phép, không dẫn nguồn.
 
Do tập hợp được thông tin từ nhiều nguồn nên các báo này có lượng truy cập lớn, doanh thu quảng cáo cao, lại không phải chi phí sản xuất tin. Điều này gây sự bất công lớn đối với các báo sản xuất tin, cơ quan giám sát nhấn mạnh.

Các vị đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn khi trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định danh hiệu cao quý nào tôn vinh nhà báo. Mặc dù để có tác phẩm hay, có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng, tác động tích cực tới toàn xã hội, nhà báo nhiều khi phải đối mặt với những hiểm nguy, thậm chí đe dọa tính mạng.