17:58 10/01/2017

Điều chỉnh thẩm quyền trưng dụng tài sản của cảnh vệ

Nguyễn Lê

Quyền huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ cũng là vấn đề được xin ý kiến tại phiên họp

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên thảo luận.
Chiều 10/1, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Cảnh vệ.

Liên quan đến sử dụng vũ khí khi thi hành nhiệm vụ, qua thảo luận lần đầu ở Quốc hội tại kỳ họp thứ hai, một số ý kiến đề nghị việc nổ súng của lực lượng cảnh vệ phải thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. 

Một số ý kiến cho rằng cần bổ sung các trường hợp nổ súng riêng của lực lực lượng này, nhưng đề nghị cân nhắc trường hợp nổ súng “để tiêu diệt đối tượng”. 

Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, dự thảo luật quy định việc nổ súng của lực lượng cảnh vệ trước hết phải thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đồng thời bổ sung quy định các trường hợp nổ súng riêng đối với lực lượng này là cần thiết, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ. 

Tuy nhiên, để tránh lạm dụng việc nổ súng xâm phạm tính mạng của đối tượng có hành vi đang tấn công trực tiếp, dự thảo mới đã thay cụm từ “để tiêu diệt đối tượng” tại dự thảo luật Chính phủ trình bằng cụm từ “Vô hiệu hóa đối tượng”.

Thay bằng cụm từ “vô hiệu hoá đối tượng” rất thông minh, nghe rất hay, hợp lý, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận.

Về ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc ưu tiên sử dụng công cụ hỗ trợ trước khi nổ súng và đề nghị bổ sung quy định về việc nổ súng của cảnh vệ nước ngoài tại Việt Nam, cơ quan thẩm tra dự án luật cũng có giải trình.

Theo đó, đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban cho rằng việc sử dụng công cụ hỗ trợ đã được dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ điều chỉnh.

Đối với lực lượng cảnh vệ nước ngoài vào Việt Nam thì việc mang vũ khí và sử dụng vũ khí phải tuân thủ Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận trên cơ sở có đi có lại giữa các quốc gia và thực hiện theo quy định của Luật này. Do đó, đề nghị không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.

Bên cạnh nội dung trên, quyền huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ cũng là vấn đề được xin ý kiến tại phiên họp.

Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An Ninh Võ Trọng Việt cho biết, khi thảo luận tại Quốc hội một số ý kiến đề nghị trong trường hợp cấp bách khi làm nhiệm vụ cảnh vệ thì cán bộ, chiến sỹ chỉ được quyền huy động lực lượng và phương tiện.

Một số ý kiến đồng ý về quyền huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ như dự thảo Chính phủ trình.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, để bảo đảm thống nhất với khoản 3 điều 32 Hiến pháp năm 2013 và điều 24 Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị bỏ thẩm quyền trưng dụng tài sản của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tại điểm c khoản 1 và của sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ tại điểm đ khoản 3 Điều 22 và ở khoản 1 điều 24 dự thảo Luật Chính phủ trình.

Đồng thời bổ sung đối tượng huy động gồm “phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó”.

Về đề nghị giữ lại quy định của cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ được quyền trưng dụng tài sản, phương tiện để bảo đảm thời cơ trong khi thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ, Thường trực Uỷ ban nêu quan điểm, nếu giữ lại thẩm quyền này như dự thảo Luật Chính phủ trình thì phải sửa đổi, bổ sung Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008. Hơn nữa, đây là quyền con người và dễ bị lạm dụng trong khi thi hành nhiệm vụ.

Khi được hỏi, các bộ ngành đều không có ý kiến khác. Dự thảo luật mới nhất nhận được sự đồng thuận cao, sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 tới đây.