15:31 22/05/2015

Doanh nghiệp Nhà nước vẫn đầu tư thêm vào 5 lĩnh vực nhạy cảm

Minh Thúy

Số vốn doanh nghiệp nhà nước phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỷ đồng

Tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bao gồm lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng.
Tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bao gồm lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng.
Năm 2014, tổng số các khoản đầu tư thêm vào 5 lĩnh vực nhạy cảm là 1.401 tỷ đồng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết tại báo cáo việc đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, vừa được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Còn phải thoái hơn 19.000 tỷ đồng

Theo báo cáo, tính đến hết quý 1/2015 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 6.980 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.237 doanh nghiệp.

Riêng quý 1/2015, cả nước cổ phần hóa 29 doanh nghiệp. Còn lại 260 doanh nghiệp thì có 62 doanh nghiệp đã công bố giá trị doanh nghiệp, 198 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp.

Về kết quả thoái vốn, Bộ trưởng Dũng lấy mốc thời điểm Quốc hội ban hành nghị quyết số ngày 26/11/2011, tổng giá trị đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bao gồm lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư) mà các tập đoàn, tổng công ty cần phải thoái là 23.325 tỷ đồng.

Kết quả cụ thể, năm 2012 thoái được 348 tỷ đồng, thu được 356 tỷ đồng, đầu tư thêm 1.545 tỷ đồng. Các con số tương tự của 2013 là 874 tỷ đồng, 745 tỷ đồng và 1.571 tỷ đồng.

Như vậy, số tiền đầu tư của năm 2013 gấp đôi số vốn thoái được.

Sang 2014, tổng số các khoản đầu tư vào năm lĩnh vực nhạy cảm giảm 4.258 tỷ đồng.

Trong đó: thoái được 4.184 tỷ đồng, thu được 4.292 tỷ đồng; giảm 74 tỷ đồng do đánh giá lại các khoản đầu tư tài chính của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam so với sổ sách kế toán khi cổ phần hóa. Đầu tư thêm 1.401 tỷ đồng và số dư tại thời điểm 31/12/2014: 22.362 tỷ đồng.

Đến quý 1/2015, thoái được 2.807 tỷ đồng, thu được 3.206 tỷ đồng. Số còn phải thoái trong 9 tháng cuối năm 2015 là 19.517 tỷ đồng.

Cần có nhiều thời gian

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích: giá trị các khoản đầu tư tăng thêm trong giai đoạn 2011 - 2015 chủ yếu là do các đơn vị ghi nhận cổ tức được chia bằng cổ phiếu, doanh nghiệp hạch toán tăng doanh thu hoạt động tài chính và tăng giá trị khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp tương ứng với số tiền cổ tức được chia theo quy định của Bộ Tài chính.

Đánh giá chung về kết quả thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa và thoái vốn, Bộ trưởng nhìn nhận tiến độ cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2012 còn chậm nhưng đến năm 2013 và năm 2014 đã nhanh hơn.

Một số khoản đầu tư ngoài ngành có hiệu quả thấp, thua lỗ, không bảo toàn được giá trị đầu tư ban đầu…

Trong giai đoạn 2011-2013, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước thực hiện còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa thực hiện được hoặc thực hiện chưa có hiệu quả công tác thoái vốn do vướng mắc trong cơ chế thực hiện nhưng đến 2014 và quý 1/2015 đã có chuyển biến rõ rệt.

Một trong những nguyên nhận của các hạn chế nói trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, là do nhận thức của một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành và các doanh nghiệp về chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp tuy đã có chuyển biến nhưng chưa hiểu đúng ý nghĩa quan trọng của việc tái cơ cấu doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Đối tượng sắp xếp, cổ phần hóa hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý.
 
Mặt khác, việc thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước đối với các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần nhiều thời gian để chuẩn bị.

Đề cập các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng Dũng “hứa” chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành cổ phần hóa 289 doanh nghiệp trong năm 2015 và thoái vốn đầu tư ngoài ngành chặt chẽ, có hiệu quả.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả và tiến độ thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp cũng là nội dung được nêu tại phần giải pháp này.