20:00 15/02/2016

“Doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh”

Bảo Quyên

Thủ tướng nói về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định TPP và những việc Nhà nước cần phải làm để tránh bị tụt hậu

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, 
tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ 
lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục.
Ngay trong ngày đầu trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết nói về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, trong đó nhấn mạnh đến những cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp cũng như nền kinh tế Việt Nam.

Thêm xung lực mới cho nền kinh tế

Trong bài viết của mình, Thủ tướng cho biết, ngày 4/2/2016 vừa qua, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được ký kết giữa 12 nước, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam, có quy mô kinh tế chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu.

Đây là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Hiệp định này có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trước đây. Đặc biệt, TPP và FTA với EU là những hiệp định toàn diện, cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công… nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng.

Bên cạnh các nội dụng về thương mại, môi trường, lao động, TPP còn tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước; thừa nhận yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế và không bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh. Hiệp định cũng được kỳ vọng là tạo ra một nền tảng mới cho hội nhập kinh tế khu vực và tạo cơ hội cho các quốc gia khác trên vành đai châu Á - Thái Bình Dương tham gia.

Trong điều kiện trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp và còn nhiều khó khăn, việc chủ động quyết định tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững, thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy sắc bén và tầm nhìn thời đại của Đảng và Nhà nước ta.

Thủ tướng nhấn mạnh, TPP cùng FTA với EU sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức đối với nước ta.

Cụ thể, các hiệp định này sẽ tạo thêm xung lực mới cho phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là trong thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong đó EU gồm 28 thành viên với GDP trên 18 nghìn tỷ USD và TPP hiện có 12 thành viên với GDP trên 20 nghìn tỷ USD.

Đây là những khu vực có công nghệ nguồn, thị trường xuất khẩu và thu hút đầu tư lớn nhất của Việt Nam liên tục trong nhiều năm qua. Nếu tính đến tác động cộng hưởng của các hiệp định này với các FTA đã ký hoặc đang đàm phán, cơ hội còn lớn hơn nhiều vì nước ta sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 quốc gia, trong đó có 15 nước thuộc nhóm G20.

Cạnh tranh sẽ quyết liệt

Cùng với những cơ hội thuận lợi, các hiệp định này cũng đặt ra những khó khăn thách thức không nhỏ. Đó là, cạnh tranh sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước tham gia hiệp định mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia – đặc biệt là cạnh tranh về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh.

Trước sức ép cạnh tranh, một số doanh nghiệp sau thời gian chuyển đổi, tái cơ cấu nếu không vươn lên được có thể phải giải thể hoặc phá sản, một bộ phận người lao động sẽ mất việc làm; khu vực nông nghiệp và nông dân dễ bị tổn thương; khoảng cách giàu nghèo sẽ bị doãng ra nếu chúng ta không thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng.

“Cần nhận thức sâu sắc rằng, cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể – Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng chủ thể”, Thủ tướng lưu ý.

Chính vì vậy, theo người đứng đầu Chính phủ, nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục.

Để tận dụng cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, yêu cầu cấp bách hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Thể chế quyết định thành bại

Theo Thủ tướng, doanh nghiệp là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Doanh nghiệp phải dũng cảm chấp nhận cạnh tranh và phải chủ động, sáng tạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để không ngừng nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ do mình cung ứng, với tư duy không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới.

Tuy vậy, doanh nghiệp không thể tự mình quyết định được tất cả. Doanh nghiệp phải hành động trong khung khổ thể chế và môi trường kinh doanh xác định. Điều này lại hoàn toàn phụ thuộc vào Nhà nước.

“Nhiều nghiên cứu và từ thực tiễn các nước đều khẳng định rằng, thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế có vai trò quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”, Thủ tướng nhìn nhận trong bài viết.

Trên cơ sở nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên đây, chúng ta phải khẩn trương tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế và cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các FTA thế hệ mới với tinh thần đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị.

Trong phần cuối bài viết, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu có quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ, tinh thần sáng tạo và chiến lược tăng trưởng đúng đắn, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn và những doanh nghiệp mới, quy mô nhỏ có thể nhanh chóng trở thành những doanh nghiệp lớn.