11:54 27/08/2015

“Doanh nghiệp Việt đang đi trên cầu khỉ”

Nguyên Thảo

Nhà nước vẫn giữ nguyên tư duy đứng bề trên để quản lý doanh nghiệp như 30 năm trước

Diễn đàn Kinh tế Mùa thu khai mạc sáng 27/8 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.<strong><br></strong>
Diễn đàn Kinh tế Mùa thu khai mạc sáng 27/8 tại Sầm Sơn, Thanh Hóa.<strong><br></strong>
Sáng 27/8, Diễn đàn Kinh tế Mùa thu do Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đồng tổ chức đã khai mạc.

Đây là lần đầu tiên Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu xuất hiện tại bàn chủ tọa. Nhiều diễn đàn trước, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thường tham dự và phát biểu khi kết thúc.

Đây cũng là lần đầu tiên báo cáo đề dẫn tại diễn đàn kinh tế của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đến từ một cơ quan nhà nước.

Lý do của sự thay đổi này được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu giải thích trong lời khai mạc diễn đàn.

Ông nói: "Lần này diễn đàn thay đổi cách làm việc, trước đây chúng tôi nhờ một số chuyên gia hàng đầu chuẩn bị báo cáo đề dẫn làm cơ sở để trao đổi trên báo cáo đó, lần này thấy rằng đây là vấn đề rất rộng lớn đòi hỏi có sự tham gia báo cáo đề dẫn của cơ quan nhà nước nên mời lãnh đạo Bộ Công Thương chuẩn bị báo cáo đề dẫn, đồng thời đã trao đổi với  giám đốc WB chuẩn bị bài viết".

Tuy nhiên, theo nhận xét của chuyên gia Lưu Bích Hồ thì bài trình bày của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú không có gì mới, nên khó có thể bình luận được gì.

“Nghiện quản lý, nghiện ra lệnh”


Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung cho rằng, lâu nay nói hội nhập thì hay phê phán là doanh nghiệp không tích cực chuẩn bị rồi rất yếu trong cạnh tranh.

Nói như vậy, theo ông thì có thể đúng nhưng hoàn toàn chưa đủ. Bởi doanh nghiệp Việt Nam “như đang đi trên cái cầu khỉ, trên lưng bị đè nặng bởi khối đá đó là chi phí, họ cúi đầu dò dẫm từng bước một để sao cho khỏi rơi xuống sông nên không thể nhìn xa đến bên ngoài được”.

Nhấn mạnh vấn đề nền tảng  của hội nhập là nhà nước, ông Cung nhấn giọng “nói không ngoa là toàn bộ hệ thống của ta không chú ý đến hội nhập”.

Biểu hiện rất rõ ràng, theo ông, là Nhà nước vẫn giữ nguyên như 30 năm trước, vẫn tư duy quản lý là đứng bề trên để quản lý doanh nghiệp, đặt ra bao nhiêu rào cản chứ không đồng hành với doanh nghiệp.

“Bộ máy của ta nghiện quản lý, nghiện ra lệnh, nên cơ cấu tổ chức không thay đổi nên năng lực quản lý không thay đổi, không phải doanh nghiệp mà là nhà nước đang cản trở hội nhập”, ông Cung nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng CIEM thì cải cách lần hai phải nhiều hơn ở phía nhà nước chứ không ở phía thị trường, làm sao để Nhà nước không làm méo mó thị trường.

 Không nên phê phán doanh nghiệp mà trọng tâm là phải cải cách thể chế và bộ máy nhà nước phải thay đổi, ông Cung nhấn mạnh.

“Đổi mới bên trong chậm quá”


Thừa nhận mức độ hội nhập của Việt Nam là rất cao, có thể cao nhất ASEAN, song chuyên gia Võ Đại Lược cho rằng vẫn có những vấn đề.

Đó là, trong khi hội nhập rộng sâu như vậy thì khả năng cạnh tranh của nền kinh tế là không theo kịp. “Đất nước phải đối diện với cạnh tranh toàn cầu quan trọng hơn là Chính phủ, là thể chế, nếu thể chế và điều hành có vấn đề thì doanh nghiệp cũng không làm gì được nên đây là vấn đề cạnh tranh của cả nước”, ông Lược phân tích.

Và điểm bất cập được ông nhấn mạnh là “hội nhập phải đi liền với đổi mới, nhưng đổi mới bên trong chậm quá, đột phá thể chế giờ này chưa làm được bao nhiêu cả”.

Một ví dụ rất cụ thể được chuyên gia Võ Đại Lược đề cập là lãi suất ngân hàng của Việt Nam vẫn đang thuộc hàng cao nhất thế giới, khi vay vốn với lãi suất 10% thì doanh nghiệp làm sao cạnh tranh sao được với các nước chỉ 3 - 4%?

“Ông WTO” Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, nội dung cải cách là phải tập trung vào cải cách thể chế tốt, đất nước chỉ có thể giàu lên khi có thể chế tốt.

Trong chất lượng thể chế thì mối quan hệ nhà nước và thị trường phải điều chỉnh lại. Và theo ông đòi hỏi rất cấp bách là chuyển đổi vai trò của nhà nước từ nhà nước chỉ huy sang nhà nước kiến tạo phát triển - như Thủ tướng đã nói.