05:27 23/05/2015

“Dự luật phải có trên 2/3 Quốc hội đồng ý mới thông qua”

Nguyễn Lê

Có một số luật vừa được Quốc hội thông qua đã bị đề nghị sửa đổi

Cuối tháng 11 năm ngoái, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với chỉ 274 bấm nút thông qua, với tỉ lệ thấp kỷ lục 55,13% - Ảnh: NLĐ.<br>
Cuối tháng 11 năm ngoái, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với chỉ 274 bấm nút thông qua, với tỉ lệ thấp kỷ lục 55,13% - Ảnh: NLĐ.<br>
Đề cập quy trình làm luật của Quốc hội tại nghị trường chiều 22/5, đại biểu Hoàng Đức Thắm băn khoăn trước thực tế bên cạnh đa số các dự án luật có trên 2/3 tổng số đại biểu đồng ý, thì cũng có những luật chỉ đạt tỷ lệ trên 50% một chút.

Theo quy định hiện nay tỷ lệ đó vẫn được thông qua. Và điều này dẫn đến có một số luật vừa được Quốc hội thông qua đã bị đề nghị sửa đổi.

2/3 thay cho 1/2?


“Đã là luật thì các nội dung đó phải rất đúng đắn, rất hợp lý, có tính phổ biến và khả thi. Vì vậy, những luật chỉ có được từ 1/2 cho đến dưới 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý thông qua là chưa thuyết phục”, đại biểu Thắm phân tích khi tham gia thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đề nghị của đại biểu Thắm là nếu không vướng gì về các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, hoặc không vi phạm nguyên tắc cơ bản nào đó, thì nên nâng tỷ lệ này lên.

Tức là, một dự án luật phải có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý thì mới được thông qua.

Tỷ lệ này, theo đại biểu Thắm, cũng cần áp dụng khi biểu quyết những nội dung còn có ý kiến khác nhau, tức là những nội dung nào có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý thì mới để nội dung đó trong luật.

Bày tỏ tiếp theo của đại biểu Thắm cũng trùng với phát biểu của một số vị khác trong phiên thảo luận về sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội sáng cùng ngày.

Đó là việc một đại biểu Quốc hội không biểu quyết thông qua một dự án luật nào đó thì không phải là không đồng ý với tất cả các nội dung của dự án luật, mà chỉ là không đồng ý với một hoặc một vài điều khoản trong luật.
 
Vì thế, đại biểu Thắm đề nghị Quốc hội nếu không điều chỉnh được việc một dự án luật chỉ được thông qua khi có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý thay vì có trên 1/2 tổng số đại biểu Quốc hội như hiện nay, thì cũng cần có quy định trong luật là "khi biểu quyết một vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau, phải có trên 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội đồng ý, thì nội dung đó mới để lại trong dự án luật, nếu dưới tỷ lệ đó thì phải đưa nội dung này ra khỏi dự án luật trước khi biểu quyết thông qua toàn bộ dự án luật".

Quốc hội ban hành luật khung thì “khó tránh lạm quyền, tư lợi”


Mặt khác, mỗi khi Quốc hội ban hành luật khung thì quyền lập pháp đương nhiên chia sẻ một phần cho cơ quan hành pháp, dẫn đến sự lạm quyền và tư lợi là những sản phẩm phụ mà khó tránh khỏi, theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, cũng trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 17 của dự thảo luật này quy định là Chính phủ sẽ ban hành 3 loại nghị định, trong đó có nghị định luật giao.

“Đối với nghị định luật giao, chúng ta hiểu rằng Quốc hội sẽ ban hành luật khung. Nếu ban hành luật khung thì có cơ hội để thể hiện sự năng động, sáng tạo, nhưng thường chậm đi vào cuộc sống và hậu quả sẽ có những vấn đề đặt ra không được xử lý đúng lúc”, đại biểu Thúy phân tích.

Để vừa phát huy tính năng động, sáng tạo, vừa hạn chế sự lạm quyền và tư lợi không đáng có, đại biểu Thúy đề nghị luật này cần phải áp đặt một quy trình chặt chẽ với các tiêu chí rõ ràng cho việc ban hành luật khung.

Vị đại biểu này cũng bày tỏ sự tán thành với một số ý kiến khác về việc không giao việc ban hành thủ tục hành chính trong các văn bản quy phạm pháp luật từ cấp bộ trở xuống.

“Tôi liên tưởng một câu nói của một nghị sỹ nước ngoài rằng: nếu cho bạn viết về luật nội dung và cho tôi viết về luật thủ tục thì tôi có thể đánh bạn vào bất cứ lúc nào. Như vậy, nếu nắm trong tay thủ tục thì một người có thể vô hiệu hóa mọi cố gắng của người khác một cách dễ dàng”, bà Thúy nói.

Với quy định thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân cấp huyện và cấp xã, nhiều ý kiến tại phiên thảo luận đồng tình nhưng phải với điều kiện quy định rõ vào trong dự thảo luật là nội dung gì được ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp này.