09:30 21/02/2017

Đường BOT: Dân không đi vẫn phải trả phí

Nguyên Vũ

Kết quả kiếm toán cho thấy có rất nhiều hạn chế, vướng mắc tại các dự án BOT giao thông

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước báo cáo với đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả kiểm toán 27 dự án giao thông BOT.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước báo cáo với đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả kiểm toán 27 dự án giao thông BOT.</span>
Khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư....

Đó là vài trong nhiều hạn chế về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng BOT (Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra sau khi kiểm toán 27 dự án từ 2011 - 2016.

Kết quả kiểm toán đã được báo cáo với đoàn giám sát của Uỷ ban Thường  vụ Quốc hội, sáng 21/2. Nội dung giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Theo Kiểm toán nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, còn có những khoảng trống pháp luật, dễ gây thất thoát lãng phí. Hệ thống văn bản pháp luật còn thiếu đồng bộ từ khâu phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện dự án chưa được phân định và làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành.

Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, hiện tại trong các văn bản quy phạm đã ban hành chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án "nâng cấp, cải tạo" hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước.

Tại nhiều dự án "nâng cấp, cải tạo" tuyến cũ, đối tượng tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà bắt buộc phải trả phí cho nhà đầu tư.

Đáng chú ý là bất cập trong vị trí của trạm thu phí.

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính thì trạm thu phí phải phù hợp với quy hoạch đường gắn với dự án do cơ quan có thẩm quyền quyết định và khoảng cách giữa các trạm đảm bảo tối thiểu 70 km.

Tuy nhiên trên thực tế xảy ra hai tình trạng. Một là trạm thu phí cho dự án nhưng lại đặt trên tuyến đường khác và không gắn với dự án, dẫn đến tình trạng người dân không đi trên đường được đầu tư bằng hình thức hợp đồng BOT nhưng vẫn phải trả phí cho nhà đầu tư.

Hai là khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km, tuy nhiên các trạm này đều được sự chấp thuận của địa phương. Với quy định nếu không đảm bảo khoảng cách chỉ cần sự thoả thuận giữa Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và địa phương đã tạo điều kiện cho mật độ trạm thu phí càng dày đặc thêm, quốc lộ bị chia cắt thành nhiều khúc, xen kẽ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo hình thức BOT để đặt trạm thu phí có khoảng cách không đảm bảo 70km nhưng đã được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và UBND tỉnh chấp thuận gây bức xúc cho người dân.

Kiểm toán nhà nước cho rằng cần phải xem lại hướng dẫn nói trên để tránh gây bức xúc dư luận.

Về mức phí, Kiểm toán Nhà nước nêu rõ hiện nay ngoài các dự án đường cao tốc thu phí tính theo số km đi trên dự án, các dự án còn lại mức thu phí theo quy định tại thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính. Theo đó, mỗi phương tiện khi qua trạm thu phí không kể chiều dài đi được bao nhiêu đều có mức thu phí là như nhau.

Điều này sẽ rất khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại địa phương nơi đặt trạm thu phí hàng ngày phải di chuyển qua trạm thu phí, tuy rằng đi với quãng đường rất ngắn nhưng lại phải trả phí rất cao.

Mặt khác, trong vận hành, khai thác chưa có kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Trong khi đây là tiêu chí quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.