15:13 15/05/2017

“Giải cứu hết dưa hấu đến thịt lợn thì cần phải xem lại”

Nguyên Vũ

Chỉ trong thời gian ngắn mà Chính phủ phải “giải cứu” quá nhiều thì không đúng tầm, Phó chủ tịch Quốc hội nói

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
“Chiến tranh hay thảm hoạ thiên tai thì giải cứu là đương nhiên, nhưng từ đầu năm đến nay, giải cứu hết dưa hấu đến thịt lợn thì cần phải xem lại”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, tại phiên họp sáng 15/5 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, báo cáo của Chính phủ được trình bày đầu phiên họp đã nhấn mạnh khó khăn của ngành chăn nuôi. Cụ thể, chăn nuôi lợn tiếp đối mặt với tình trạng giá cả giảm mạnh do dư thừa cung nghiêm trọng.

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, từ tháng 11/ 2016 đến nay, do thương lái Trung Quốc hạn chế nhập khẩu, dẫn tới đàn lợn đến lứa xuất bán dư thừa giá bán giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất, thấp nhất từ trước tới nay và cũng là mức giá thấp nhất thế giới.

Trong khi đó khâu chế biến, tiêu thụ trong nước còn yếu, xuất khẩu không đáng kể. Người chăn nuôi thua lỗ, vì vậy khó khăn của ngành chăn nuôi có ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng ngành nông nghiệp nói riêng và đến toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Mặc dù các cấp, các ngành đã vào cuộc để tìm kiếm các giải pháp “giải cứu” ngành chăn nuôi lợn trong ngắn hạn và giá bán thời điểm cuối tháng 4 có tăng nhẹ do phía Trung Quốc nhập khẩu trở lại, nhưng khó khăn dự báo vẫn chưa thể giải quyết triệt để, cần có những giải pháp căn cơ hơn trong dài hạn, đảm bảo phát triển ổn định và bền vững ngành chăn nuôi lợn.

Cũng như một số ý kiến khác, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá cao sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong điều hành kinh tế xã hội thời gian qua.

Song theo ông, chỉ trong thời gian ngắn mà Chính phủ phải “giải cứu” quá nhiều thì không đúng tầm, cần xem lại khâu dự báo thế nào, nếu dự báo tốt thì chắc không cần phải “giải cứu” những vấn đề như thế.

“Làm sao đầu tư quan tâm vĩ mô dài hơi hơn, để dân đỡ phải gánh chịu hậu qủa, còn Chính phủ đỡ phải giải cứu những vấn đề không xứng tầm”, ông Tỵ góp ý.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì báo cáo của Chính phủ cần quan tâm đến trách nhiệm của cán bộ từ cơ sở. Vì, một số vụ việc dân phản đối chính quyền mới xảy ra không hoàn toàn do đất đai, cũng không phải do thiếu luật, mà lý do chính là do thực thi, do một số nơi cán bộ chưa làm hết trách nhiệm với nhân dân.

“Cán bộ đầy đủ sao để dân khổ như thế, dân không phải sướng gì mà đi chống đối chính quyền đâu”, Phó chủ tịch nhìn nhận.

Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải “phê” rằng đã góp ý nhiều lần, nhưng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Chính phủ vẫn nặng về kinh tế mà xem nhẹ xã hội.

Bà Hải cũng nêu thực tế đơn thư khiếu nại tố cáo về đất đai đã lên 80%, tổng số đơn thư. Qua giám sát, hành lang pháp lý là tương đối đầy đủ nhưng triển khai thực hiện không đúng pháp luật, quy trình thủ tục không đầy đủ, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm lại không được thực hiện thường xuyên.

Vị Trưởng ban Dân nguyện cũng đặc biệt nhấn mạnh vấn đề theo bà rất bất cập là tiếp công dân, đối thoại với dân  không được thực hiện theo đúng luật. Luật quy định chủ tịch tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần, nhưng đi giám sát cho thấy hầu hết một năm chỉ trực tiếp tiếp dân có 3 lần, còn chủ yếu là giao cho phó chủ tịch.

Tương tự ở cấp huyện, một năm chủ tịch phải tiếp dân 24 lần, chủ tịch xã 48 lần, nhưng đều không được thực hiện nghiêm, dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc rấr đơn thuần nhưng không được đối thoại.

“Thậm chí có nơi còn có hiện tượng cử cả người hoạt động không chuyên trách tiếp công dân, nếu tiếp dân tốt thì không bao giờ dẫn đến sự việc đáng tiếc”, bà Hải góp ý.