11:17 28/12/2016

“Gió nóng” nhóm Y tế đẩy CPI năm 2016 tăng 4,74%

Bạch Huệ

Mức tăng này nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra cho năm 2016

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước.
Báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,23% so với tháng trước.

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 5,30% (dịch vụ y tế tăng 6,93%) do trong tháng có 4 tỉnh, thành phố là Tp.HCM, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 làm tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,27%.

Luỹ kế, CPI 12 tháng năm nay tăng 4,74%, bình quân mỗi tháng tăng 0,4%. CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015.

"Mức tăng CPI năm 2016 so tăng cao so với năm 2015, nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng CPI bình quân của một số năm gần đây, đồng thời vẫn nằm trong giới hạn mục tiêu 5% mà Quốc hội đề ra”, báo cáo nêu.

Theo đó, CPI tháng 12 tăng chủ yếu do giá dịch vụ y tế tăng theo Thông tư số 37. Giá các mặt hàng dịch vụ y tế tăng 77,57% làm chỉ số CPI tăng khoảng 2,7%.

Cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện điều chỉnh tăng giá học phí theo lộ trình của Nghị định số 86 của Chính phủ làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2016 tăng 12,5% so với cùng kỳ, làm CPI chung tăng khoảng 0,58%.

Trong năm có nhiều kỳ nghỉ kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí tăng cao, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng lên. Ngoài ra, thiên tai và thời tiết bất lợi, rét đậm rét hại trên diện rộng ở phía Bắc; mưa lũ, ngập lụt nghiêm trọng ở miền Trung; khô hạn ở Tây Nguyên và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng làm chỉ số giá nhóm lương thực tháng 12 tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, trong năm 2016 có một số yếu tố góp phần kiềm chế CPI như giá xăng dầu và giá cước vận tải ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào nên giá cả không biến động lớn; Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh dẫn đến giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm, tác động làm chỉ số giá nhóm giao thông giảm theo; Do kiểm soát thị trường, đồng thời thực hiện các chính sách bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu, ổn định giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.

Lạm phát cơ bản tháng 12 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2016 tăng 1,83% so với bình quân năm 2015.

Về giá vàng, theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 12 giảm 2,52% so với tháng trước; tăng 10,98% so với cùng kỳ, bình quân năm 2016 tăng 5,95% so với năm 2015.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 12 tăng 1,52% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2015, bình quân năm 2016 tăng 2,23% so với năm 2015.