09:04 19/06/2015

Hà Nội và Tp.HCM sẽ có tối đa 5 phó chủ tịch UBND

Anh Minh

Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phép Hà Nội và TP.HCM có ngoại lệ về số lượng đại biểu HĐND và phó chủ tịch UBND

Hà Nội sẽ có tối đa 5 phó chủ tịch UBND.<br>
Hà Nội sẽ có tối đa 5 phó chủ tịch UBND.<br>
Sáng 19/6, Quốc hội đã thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương với tỷ lệ phiếu thuận là 85,22%. Cụ thể, có 441 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó số tán thành là 421 đại biểu, không tán thành 13 đại biểu, không biểu quyết 7 đại biểu.

Trước lúc biểu quyết, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó có một số nội dung mới được bổ sung vào dự thảo luật này.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, có ý kiến đề nghị tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ 95 đại biểu lên 105 đại biểu để phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm, tính chất của các đô thị lớn này.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho thể hiện lại nội dung này như quy định tại Điều 39 của dự thảo Luật. 

Bên cạnh đó, vẫn theo ông Lý, nhiều ý kiến đề nghị quy định Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết trong thực tế thời gian qua nhiều địa phương bố trí các đồng chí Ủy viên thường vụ cấp ủy kiêm Trưởng ban của Hội đồng nhân dân nên đã tạo vị thế và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Vì vậy, việc quy định Trưởng ban của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách như dự thảo Luật là phù hợp, các địa phương sẽ linh hoạt, chủ động hơn trong việc bố trí cán bộ.

Liên quan đến cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định về cơ cấu tổ chức của Ủy ban nhân dân như trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định người đứng đầu cơ quan quân sự, công an vào cơ cấu thành viên Ủy ban nhân dân như hiện nay.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị giới hạn số lượng Ủy viên UBND như hiện nay chỉ gồm người đứng đầu của một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND và cơ quan quân sự, công an tại địa phương. 

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc mở rộng cơ cấu Ủy ban nhân dân là nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên, tăng cường hiệu lực giám sát của Hội đồng nhân dân đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu.

Mặt khác, dự thảo Luật đã xác định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tập thể Ủy ban nhân dân và của cá nhân Chủ tịch UBND, theo đó, Ủy ban nhân dân chủ yếu tập trung vào thảo luận tập thể để quyết định những nội dung trình Hội đồng nhân dân cùng cấp, còn việc chỉ đạo, điều hành giao cho chủ tịch UBND.

Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp tục quy định thành phần của Ủy ban nhân dân các cấp gồm người đứng đầu các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân và quy định rõ 01 Ủy viên phụ trách quân sự và 1 Ủy viên phụ trách công an để phụ trách về các lĩnh vực hoạt động quan trọng này ở địa phương.

Vẫn liên quan đến tổ chức Ủy ban nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng: đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh loại đặc biệt (Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh) có không quá 5 phó chủ tịch, loại I có không quá 4 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 3 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính cấp huyện loại I có không quá 3 phó chủ tịch, loại II và loại III có không quá 2 phó chủ tịch UBND.

Đối với đơn vị hành chính cấp xã loại I có không quá 2 phó chủ tịch, loại II và loại III có 1 phó chủ tịch UBND.