Hơn 90% đại biểu đồng ý chưa thông qua Luật Về hội
Đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn
Nếu các đại biểu Quốc hội đồng ý, dự thảo Luật Về hội đã được bố trí thông qua vào đầu phiên họp chiều 17/11.
Tuy nhiên, kết quả xin ý kiến cho thấy có 443/460 đồng ý chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ hai này của Quốc hội.
Tương tự, trên 90% đại biểu cũng đồng ý chưa thông qua dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự.
Chưa thật phù hợp
Tại báo cáo phát hành ngày 17/11 về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ nội dung của cả dự án luật đang còn ý kiến khác nhau.
Với dự án Luật Về hội, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa thật phù hợp với thực tiễn của hoạt động hội trong những năm qua. Thậm chí, có quy định còn hạn chế hơn so với pháp luật hiện hành, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập, nặng về yêu cầu quản lý nhà nước.
Dự thảo luật trình Quốc hội khoá 14 có nhiều nội dung khác với dự thảo luật trình Quốc hội khoá 13 nhưng chưa được Chính phủ tổng kết và báo cáo đánh giá tác động, chưa lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đề nghị Quốc hội cho cơ quan soạn thảo có thêm thời gian để tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động và lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân là đối tượng điều chỉnh để hoàn thiện dự thảo luật nhằm tạo sự đồng thuận cao của Quốc hội.
Báo cáo cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến đại biểu và báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Sau đó đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về việc chưa thông qua dự án Luật Về hội tại kỳ họp này.
Kết quả, có 443/460 (xấp xỉ 90% tổng số đại biểu Quốc hội) đại biểu tham gia điền phiếu thăm dò đồng ý chưa thông qua tại kỳ họp thứ 2. Có ý kiến đề nghị, nếu dự thảo Luật Về hội không mở rộng phạm vi, quyền tham gia hội, tiếp nhận tài trợ nước ngoài vì mục đích nhân đạo từ thiện thì không nên trình Quốc hội tại kỳ họp tới.
Một số đại biểu đề nghị giao Chính phủ tiếp tục chuẩn bị thêm như ý kiến của Bộ trưởng Nội vụ đã phát biểu tại hội trường trong phiên thảo luận về dự án luật này để rà soát và chỉnh sửa lại các điều luật đã được đại biểu Quốc hội góp ý. Trong quá trình chuẩn bị, Chính phủ chủ động xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị và cố gắng trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 3.
Cần chuẩn bị kỹ lưỡng
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội đã cho rằng đạo luật này rất quan trọng, là công cụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Để đảm bảo chất lượng, tránh các sai sót, cần phải có thời gian để chuẩn bị thật kỹ lưỡng, thận trọng, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học trước khi thông qua.
Với phạm vi sửa đổi, có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát để sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự năm 2015 nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự ổn định lâu dài của Bộ luật.
Tuy vậy, đa số đại biểu tán thành với phương án đề nghị của Chính phủ và ý kiến thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp là không sửa đổi toàn diện Bộ luật Hình sự mà chỉ tập trung sửa đổi các lỗi kỹ thuật ảnh hưởng trực tiếp đến nội dung và việc áp dụng thống nhất pháp luật; sửa đổi các điều có nội dung không hợp lý, không sửa thì không thì hành được luật.
Ngoài ra các đại biểu cũng nhất trí bổ sung một số hành vi phạm tội mới để đáp ứng yêu cầu phòng, chống tội phạm.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu và kết quả tổng hợp cho thấy, có 448/460 (chiếm trên 90% tổng số đại biểu Quốc hội) đồng ý chưa thông qua dự án luật tại kỳ họp thứ 2 này.
Một số đại biểu đề nghị điều chỉnh phạm vi sửa đổi tập trung vào phương án như Chính phủ trình và Uỷ ban Tư pháp đã thẩm tra, không đặt lại việc xem xét những chính sách hình sự lớn đã được Quốc hội khoá trước thông qua.
Đại biểu cũng đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan phối hợp chặt chẽ, rà soát kỹ lưỡng từng điều khoản của luật và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi để tiếp tục hoàn chỉnh và trình Quốc hội xem xét việc thông qua tại kỳ họp tới (tháng 5/2017).