16:35 27/09/2016

Khi Thủ tướng...đi chợ

Nguyên Hà

Thủ tướng giao Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để xử lý kịp thời vi phạm an toàn thực phẩm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ thị sát chợ Long Biên rạng sáng 27/9.<br>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ thị sát chợ Long Biên rạng sáng 27/9.<br>
Rạng sáng 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có chuyến thị sát chợ đầu mối Long Biên, nhằm kiểm tra tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ đầu mối lớn nhất miền Bắc này.

Trò chuyện với các tiểu thương tại chợ Long Biên, Thủ tướng lưu ý các hộ kinh doanh phải mua bán rau quả, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn cho người tiêu dùng.

Giữ đạo đức kinh doanh

“Bà con buôn bán cần giữ gìn đạo đức kinh doanh, không vì lợi nhuận mà mua bán những loại hoa quả có ngâm tẩm, chứa chất bảo quản độc hại, không rõ nguồn gốc, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng và cho chính bản thân”, Thủ tướng nhắn nhủ.

Ngay sau chuyến thị sát chợ Long Biên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đến xã chuyên sản xuất rau Văn Đức, Hà Nội, trước khi làm việc với UBND thành phố Hà Nội về công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông đánh giá cao một số cách làm của Hà Nội về chống thực phẩm bẩn, đảm bảo an toàn thực phẩm bước đầu đã có kết quả.

Cụ thể là lãnh đạo Hà Nội đã giao phó chủ tịch cấp quận, huyện kiểm tra một lần/2 tuần, chủ tịch xã, phường, thị trấn kiểm tra một lần/tuần, còn phó chủ tịch kiểm tra 2 lần/tuần đối với việc thực hiện các nội dung theo Chỉ thị 13/2016 của Thủ tướng về an toàn thực phẩm trước đó.

Thủ tướng cũng hoan nghênh việc Hà Nội dùng các xe chuyên dụng để xét nghiệm nhanh thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ nông sản cũng như xử lý nghiêm nhiều trường hợp vi phạm.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về thành lập Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm do đích thân Chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban. Hà Nội đã kết hợp chặt chẽ việc quản lý an toàn thực phẩm theo chuỗi sản phẩm và vùng địa lý, khi đây là vấn đề rất khó vì dễ nảy sinh chuyện “quyền anh, quyền tôi” hay tình trạng “ngăn sông cách chợ”.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm của Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực như thức ăn đường phố, chợ cóc, chợ tạm, thực phẩm chức năng… Một trong những mặt tồn tại là làng nghề, lò mổ; thực phẩm chức năng chưa có quy chuẩn; chế tài chưa rõ ràng, khó cho xử lý…

“Về tổng thể thì người dân cả nước cũng như Thủ đô vẫn chưa hoàn toàn yên tâm với chất lượng thực phẩm hiện nay. Còn nhiều vấn đề bất cập mà các đồng chí phải tiếp tục khắc phục, bên cạnh những kết quả bước đầu quan trọng này”, Thủ tướng nói.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, mỗi việc, mỗi nhiệm vụ phải có đầu mối chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm, không để tình trạng “cha chung không ai khóc”, khi để xảy ra một vụ việc mất an toàn thực phẩm trên địa bàn mà không ai chịu trách nhiệm.

“Lò mổ nhỏ lẻ mất vệ sinh trên địa bàn phường thì ông chủ tịch phường có biết không? Chắc chắn là biết nhưng ông có xử lý không? Vì sao không xử lý?”, Thủ tướng nêu ví dụ và cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của chủ tịch phường về vấn đề này.

Đối với vấn đề thức ăn đường phố, ông yêu cầu Hà Nội phải chỉ đạo quyết liệt, phân cấp và giao trách nhiệm cho UBND các phường. Thức ăn đường phố ở Hà Nội phải vào nền nếp, quy trình, sạch sẽ để giới thiệu ẩm thực nổi tiếng của Việt Nam thông qua thành phố Hà Nội. Phải điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm, để xảy ra ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân như các bữa ăn tập thể và cả các cửa hàng bán bánh mì.

“Nếu người dân ăn bánh mì của cửa hàng A, hiệu B mà đau bụng, bị ngộ độc thì cần điều tra, xử lý nghiêm chủ cửa hàng bánh mì đó chứ không thể để tình trạng rao bán bành mì một cách vô trách nhiệm với người dân”, Thủ tướng nói.

Hà Nội cần tiếp tục thông tin tốt hơn về thực phẩm an toàn, cảnh báo các loại thực phẩm không an toàn, cơ sở vi phạm để người dân biết; phát triển chuỗi cung cấp thực phẩm sạch cho thành phố, bao gồm phát triển các vùng nông sản sạch, có thương hiệu và đẩy mạnh liên kết vùng. Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các làng nghề sản xuất bánh, mứt, kẹo, giò, chả, miến…

Mô hình phản ứng nhanh

Đặc biệt, Thủ tướng giao Hà Nội nghiên cứu mô hình lực lượng phản ứng nhanh để phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc tiếp nhận thông tin để xử lý vi phạm.

Báo cáo trước Thủ tướng, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho hay, về việc thực hiện Chỉ thị 13 của Thủ tướng, Hà Nội đã kiểm tra đột xuất gần 700 cơ sở, phát hiện 176 cơ sở vi phạm và xử lý 170 cơ sở, phạt tiền trên 1,43 tỷ đồng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng danh mục 225 cơ sở rau thịt an toàn có giấy chứng nhận đủ điều kiện toàn thực phẩm trên trang web của Sở.

Hà Nội cũng đã kiểm tra gần 77.400 lượt cơ sở và phát hiện trên 12.370 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt tiền trên 22,6 tỷ đồng, chuyển điều tra xử lý hình sự 3 vụ.

Đáng chú ý, mới đây tập đoàn Vingroup đã cam kết tài trợ thành phố 5 xe chuyên dụng phục vụ công tác kiểm tra an toàn thực phẩm. Đây là những xe chuyên dụng nhập khẩu từ Mỹ, được trang bị những thiết bị hiện đại, có thể tiến hành test nhanh các mẫu rau, củ, quả, thịt, cá...

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, dự kiến vào đầu tháng 12/2016, UBND thành phố Hà Nội sẽ tiếp nhận 5 chiếc xe chuyên dụng này. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thành phố sẽ lập lực lượng phản ứng nhanh, sử dụng những thiết bị hiện đại này để thực thi công vụ.