10:03 01/06/2017

“Không biết lúc nào Quốc hội có thể bàn Luật Về hội?”

Nguyễn Lê

Có đại biểu Quốc hội đề nghị cần đưa dự án Luật Về hội vào chương trình năm 2018

Chính phủ đã có báo cáo về việc lùi thời gian trình rút các dự án luật, trong đó có Luật Về hội ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Chính phủ đã có báo cáo về việc lùi thời gian trình rút các dự án luật, trong đó có Luật Về hội ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật năm 2018, chiều 31/5 tại Quốc hội, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Cạn) băn khoăn khi dự án Luật Về hội đã được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình năm 2016 - 2017, nhưng vẫn chưa được xem xét để đưa vào chương trình năm 2018.

Bà Phương nhận xét, sau phiên thảo luận tổ, Chính phủ đã có báo cáo về việc lùi thời gian trình rút các dự án luật, trong đó có Luật Về hội ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Nhưng báo cáo cũng chỉ nêu lý do cần có thời gian nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện và trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp, chưa có dự kiến về thời gian trình.

Theo đại biểu Phương thì: "Dự án Luật về hội Quốc hội đã hai lần thảo luận nhưng lần này cũng chưa thấy đâu. Vậy không biết lúc nào thì Quốc hội có thể bàn Luật Về hội? Nhiều nơi muốn thành lập hội nhưng không được vì chưa có luật".

Đề nghị của đại biểu Phương là cần đưa dự án Luật Về hội vào chương trình năm 2018.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi, hiện nay chương trình lập pháp đang được xây dựng trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành. Vấn đề đặt ra là các kiến nghị này đã thực sự xuất phát từ thực tiễn cuộc sống hay chưa, hay chỉ là từ mong muốn của bộ, ngành được có thêm quyền năng và thêm công cụ quản lý?

Xây dựng luật, pháp lệnh chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tiễn cấp bách của cuộc sống cũng là nhận xét của một số vị đại biểu khác.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) phản ánh qua thảo luận ở tổ đại biểu băn khoăn khi nhìn vào danh sách dự án luật được đưa vào chương trình không biết có nội hàm là những vấn đề gì, đấy có phải là những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra cấp thiết hơn so với các vấn đề khác hay không.

"Trong khi nhu cầu xây dựng luật rất nhiều nhưng phải cân nhắc luật nào trước, luật nào sau, luật nào ưu tiên và nội hàm đó khi thành các quy phạm thì tác động vào đời sống có mang lại lợi ích hay cũng chỉ về mặt hình thức pháp lý. Đây là vấn đề đầu tiên chúng tôi hết sức quan tâm", ông Hiểu nói.

Theo ông Hiểu, khi các đại biểu góp ý vào chương trình xây dựng luật thì cần thông tin về đề cương, nội dung định hướng và phạm vi thay bằng việc chỉ thuần túy là tên luật.

"Chúng tôi còn sợ không cẩn thận chúng ta sẽ xây dựng những đạo luật như một công trình khoa học rất hàn lâm xa với đời sống", đại biểu Hiểu lo ngại.

Bên cạnh nhận xét chung, nhiều ý kiến đề xuất đẩy nhanh tiến độ môt số dự án luật cụ thể.

Đại biểu Phạm Ngọc Huyền (Ninh Thuận) cho rằng dự án Luật An ninh mạng dự kiến được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2017) và thông qua tại kỳ họp thứ 6, là quá lâu, trong khi tình hình an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay đang diễn biến rất phức tạp và là vấn đề cấp bách cần được ưu tiên trong xây dựng và ban hành các văn bản có liên quan.

"Các thế lực thù địch, phản động đang triệt để sử dụng không gian mạng để xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia, chống Đảng và Nhà nước, tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, vu khống, tạo dư luận xấu, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân", đại biểu nhấn mạnh.