09:58 03/03/2011

“Không có chuyện đi Lybia phải nộp hàng trăm triệu đồng”

Bảo Trang

Tổng số tiền người lao động phải bỏ ra khi đi làm việc tại Lybia chỉ vài ba chục triệu đồng

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: B. Trang
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân - Ảnh: B. Trang
Tổng số tiền người lao động phải bỏ ra khi đi làm việc tại Lybia chỉ vài ba chục triệu, không có chuyện lên đến hàng trăm triệu đồng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định.

Trả lời báo giới bên lề cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nói:
 
- Theo số liệu của Bộ, tổng số lao động có hợp đồng, hồ sơ quản lý của Việt Nam tại Lybia là 10.482 người. trong đó có khoảng 2.000 người làm việc tại thành phố xảy ra bạo loạn đầu tiên, khoảng 5.000 người làm việc tại Thủ đô của Lybia, số còn lại ở vùng lân cận. Cho đến đêm 1/3, Việt Nam đã di tản được 6.196 lao động ra khỏi Lybia.
 
Trong tổng số lao động di tản đó chúng ta đã đưa được về nước 2.739 người. Số khác đã mua được vé máy bay thương mại về Việt Nam. Hàng ngàn người khác cũng đang trên đường di chuyển theo đường biển và đường bộ từ Libya về biên giới Ai Cập. Chúng tôi đang tiếp tục điều các chuyến bay sang đón lao động Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất.

Đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 200 lao động đang mắc kẹt tại các cơ sở nhỏ lẻ, các công xưởng, nhà máy nằm sâu trong địa phận Libya. Số này vẫn đang tìm cách thoát ra khỏi Libya. Từng nhóm này cũng theo cơ chế tự quản và đã liên lạc được với sứ quán của chúng ta.

Vậy có khoảng bao nhiêu lao động nào hiện đang mất liên lạc, thưa bà?

Có chứ, bởi vì lao động ở đó vẫn có nhiều nhóm nhỏ lẻ. Chẳng hạn như con số khoảng 1.000 người đang di chuyển bằng đường bộ hoặc đang nằm sâu trong lãnh thổ Lybia thì cũng không thể nắm chính xác được. Chỉ nắm được những người đi máy bay, tàu thủy...

Dự kiến bao giờ chúng ta đưa được toàn bộ số lao động ở Libya?

Chúng tôi quyết tâm đưa họ về càng sớm càng tốt. Số người sang nước thứ ba đã an toàn về mặt an ninh.

Chính phủ cũng đã cử 5 đoàn công tác sang khu vực Trung Đông, Bắc Phi để phụ trách việc hồi hương lao động Việt ở Libya. Cách đây một ngày đã đặt 2.000 chiếc bánh chưng để có thể ăn ngay, mang lương khô để mang sang cho người lao động ăn và dự phòng. Mang cả chăn, áo ấm.

Hiện Chính phủ chỉ đạo trích từ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước hỗ trợ mỗi người 1 triệu đồng, các doanh nghiệp đưa lao động đi hỗ trợ mỗi người một triệu đồng,  Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng đã hỗ trợ số tiền 3 tỷ đồng và Cienco 5 hỗ trợ 5 tỷ đồng. Bộ sẽ lập một tài khoản để nhận tiền quyên góp giúp đỡ và chuyển số tiền này tới các lao động.

Sau khi về nước, với những người đang vay nợ ngân hàng, Chính phủ sẽ có giải pháp gì để trợ giúp số lao động này?

Vấn đề được nhiều người quan tâm vào lúc này là gánh nặng nợ nần của hơn 10.000 lao động sau khi về nước. Hiện Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện theo chính sách hiện hành về đưa người lao động ra nước ngoài. Trong số đó chỉ có số mới sang là khó khăn, còn số sang lâu họ đã có tiền gửi về trả nợ ngân hàng. Chúng tôi chỉ kiến nghị ngân hàng khoanh nợ cho số gặp khó khăn đó.

Theo tôi, đây là một việc xảy ra ngoài ý muốn của tất cả các bên, hoàn toàn không có lỗi của doanh nghiệp hay là lỗi của người lao động. Chúng ta cũng đã đàm phán với các chủ sử dụng lao động ở nước ngoài mua vé máy bay cho người lao động Việt Nam về nước.

Chúng ta cũng không đặt vấn đề doanh nghiệp phải bồi thường vì thực tế họ cũng đang bị thiệt thòi, thua lỗ vì sự cố này. Tuy nhiên, chúng tôi cũng căn cứ vào luật để đặt ra vấn đề trách nhiệm ràng buộc giữa hai bên, tức là doanh nghiệp phải bỏ ra cái gì, Chính phủ bỏ ra cái gì.

Vậy, trong pháp luật về xuất khẩu lao động, có điều khoản nào quy định doanh nghiệp phải bồi thường khi có chiến tranh tại nơi họ làm việc không, thưa bà?

Trong luật đưa lao động ra nước ngoài làm việc có quy định những điều kiện, quyền lợi của người lao động chứ không có đề cập đến giải quyết khi chiến tranh xảy ra thì mỗi bên phải có trách nhiệm gì. Đây là việc bất khả kháng, xảy ra ngoài ý muốn, song mỗi khi đã xảy ra thì Chính phủ chỉ đạo mỗi bên phải có trách nhiệm nhất định. Chỉ có phần nào vượt quá khả năng của doanh nghiệp thì Chính phủ sẽ can thiệp.

Theo quy định, trước khi đi người lao động phải nộp cho doanh nghiệp một khoản phí dịch vụ, tối đa là 3 tháng lương. Chắc là chúng tôi sẽ đề nghị ngân hàng khoanh lại, sau đó phân loại để Chính phủ quyết định.

Nhưng theo dư luận, nhiều lao động không chỉ nộp khoản phí đó mà họ phải nộp một khoản khác khá lớn, lên tới hàng trăm triệu đồng nhưng lại nằm ngoài hợp đồng thì sẽ giải quyết như thế nào?

Tôi khẳng định hoàn toàn không có chuyện đó, chỉ là thông tin đồn thổi. Hoặc có chăng chỉ là do các khâu môi giới, này nọ. Không có ai đi Lybia lại mất đến hàng trăm triệu đồng. Nếu nhà báo phát hiện ra doanh nghiệp nào thu nhiều như vậy chúng tôi sẽ truy tố.

Với những người có hợp đồng, được doanh nghiệp mua bảo hiểm thì có được đền bù trong trường hợp này hay không?

Hiện nay tôi chưa thể trả lời chính sách gì tiếp theo. Giờ đây chúng tôi chỉ tập trung vào chỉ đạo của Chính phủ là lo cho sự an nguy của người lao động là trên hết bằng cách đưa họ về nước an toàn.

Còn việc chủ lao động ở bên kia có mua bảo hiểm hay không, mua mức nào thì phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Chúng tôi chỉ kiểm tra hồ sơ hợp pháp trước khi lao động đi ra nước ngoài.

Được biết, để giải quyết sự cố lao động tại Lybia có sự phối hợp liên ngành, nhiều cơ quan cùng vào cuộc. Vậy kinh phí cho các hoạt động này sẽ do bên nào bỏ ra?

Hiện Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đều phải vào cuộc. Tất cả các chi phí đều do các đơn vị tự bỏ ra, sau đó chúng tôi sẽ rà soát lại các khoản chi để quyết toán.

Ngoài ra, mỗi bộ, ngành đều có trách nhiệm riêng, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao có trách nhiệm xin phép bay vào các nước, mời các đại sứ các nước lân cận, bộ ngoại giao các nước có lao động chúng ta di tản sang để họ giúp đỡ...