10:40 08/06/2017

"Không xây dựng kế hoạch tăng trưởng một cách viển vông"

Nguyên Vũ

Ngày 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách

Một phiên thảo luận tổ của Quốc hội.
Một phiên thảo luận tổ của Quốc hội.
Chính phủ cần xây dựng các kịch bản sát với thực tiễn, tính toán lại các chỉ tiêu, không xây dựng kế hoạch tăng trưởng một cách viển vông - đại biểu Quốc hội đề nghị.

Từ 8h đến 18h30 ngày 9/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách.

Trước đó, ngày 25/5 nội dung nói trên đã được thảo luận tại tổ. 

Băn khoăn tăng trưởng 

Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận cho thấy không ít lo lắng của các vị đại diện cho dân về cả ngân sách, kinh tế, xã hội.

Nhìn lại năm 2016, nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Năm 2016 có 2 chỉ tiêu quan trọng không đạt kế hoạch là tăng GGP và tốc tăng xuất khẩu.

Tại các tổ thảo luận, nhiều đại biểu phân tích, đánh giá chỉ tiêu tốc độ tăng GDP – một chỉ tiêu tổng hợp không đạt kế hoạch trong khi hầu hết các chỉ tiêu kinh tế thành phần đều đạt và vượt là không hợp lý. Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân việc dự báo tốc độ tăng trưởng không sát thực tế. 

Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng chỉ tiêu GDP lạc lậu, cần nghiên cứu cách tính chỉ tiêu khoa học hơn để dự báo chính xác hơn. Đồng thời, phải đánh giá được những mặt bị tác động (về tài nguyên, môi trường, xã hội, con người…) để đạt được tốc độ tăng GDP đề ra.

Những tháng đầu năm 2017, theo nhận định của nhiều vị đại biểu thì kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, kiểm soát được lạm phát, tỷ giá lãi suất. Tuy nhiên, tốc độ tăng GDP quý 1 đạt thấp, tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp, xây dựng đều giảm, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn, năng suất lao động thấp... 

Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ năm 2017 có nhiều yếu tố thuận lợi, có khả năng tạo ra sự tăng trưởng. Kinh tế tư nhân đang trở thành động lực của nền kinh tế do được hỗ trợ tích cực về mặt chủ trương, chính sách, pháp luật. Việt Nam tiếp tục thu hút được số lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và tỷ lệ giải ngân rất cao. FDI vẫn chiếm 20% trong đóng góp vào GDP. Hợp tác, thu hút FDI, khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh sẽ tạo ra tiềm năng để thúc đẩy sự tăng trưởng. Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn đã và đang đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, riêng với chỉ tiêu tốc độ tăng GDP nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại về việc chỉ tiêu này trong quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 4 năm qua và dự đoán tốc độ tăng GDP cả năm khó có thể đạt 6,7% như kế hoạch đề ra. Ý kiến khác cho rằng, có thể đạt tăng trưởng ở mức 6,3%.

Góp ý về giải pháp thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ phải xây dựng các kịch bản sát với thực tiễn, tính toán lại các chỉ tiêu, không xây dựng kế hoạch tăng trưởng một cách viển vông, ưu tiên, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục duy trì mục tiêu kiểm

Lo khủng hoảng 

Ngoài GDP, nhiều nỗi lo khác của các vị đại biểu gắn với thị trường bất động sản.

Theo đại biểu, trưởng tín dụng năm 2016 cao hơn so với những năm trước, tuy nhiên, cần đánh giá thực chất tăng trưởng tín dụng ở những ngành nào và hiệu quả ra sao. Tăng trưởng tín dụng chỉ bền vững nếu diễn ra ở những ngành đã được xác định trong tái cấu trúc kinh tế, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Ý kiến khác cho rằng, hiện nay, tín dụng đang chảy vào đầu cơ trên thị trường bất động sản.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ phải nghiên cứu, dự báo được tình hình biến động của thị trường bất động sản; cần điều chỉnh lại chính sách phát triển bất động sản cho phù hợp với điều kiện kinh tế hiện nay.

Tổng thư ký cũng phản ánh lo ngại của đại biểu, rằng nếu không có biện pháp, giải pháp xử lý tình trạng nóng lên của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán thì có khả năng nền kinh tế Việt Nam lại rơi vào khủng hoảng như năm 2011. 

Với những tháng còn lại của năm nay, lạm phát cũng là nỗi lo không nhỏ của đại biểu Quốc hội. Nhiều ý kiến cho rằng, việc một số mặt hàng tăng giá theo lộ trình tình trạng bất động sản tăng đột biến tại một số địa phương cùng với việc giá các mặt hàng trên thế giới tăng, Việt Nam lại nhập siêu nên đang phải đối mặt với áp lực gia tăng lạm phát ngày càng lớn, khó có thể đạt mục tiêu lạm phát dưới 4%. 

Ý kiến khác nhận xét, việc cung tiền hiện nay chưa tuân theo nguyên lý chính sách tiền tệ cũng góp phần đẩy chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm ngoái.