“Kiểm toán Việt Nam phát hiện tham nhũng rất hạn chế”
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước
“Ở các nước khác thì 90% số vụ tham nhũng được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán còn ở Việt Nam thì chỉ có nhân dân, báo chí phát hiện, còn qua thanh tra kiểm toán rất hạn chế”.
Đây là nhận xét của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Tổng kiểm toán Nhà nước, sáng 24/2.
Trước đó, Tổng kiểm toán Nguyễn Hữu Vạn khái quát, nhiệm kỳ qua kết quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước đã đóng góp tích cực vào thành tựu của công cuộc đổi mới, góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công. Kết quả kiểm toán đã góp phần vào việc quản trị tài chính quốc gia, quản trị doanh nghiệp.
Bình quân hàng năm, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán khoảng 180 đến 200 cuộc kiểm toán với quy mô năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10%.
Kết quả là, trong 5 năm (2011-2015), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính tổng số tiền 101.037 tỷ đồng, bằng 55% số kiến nghị xử lý tài chính trong 21 năm hoạt động của Kiểm toán Nhà nước (184.486 tỷ đồng).
Kiểm toán Nhà nước cũng đã chuyển 9 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; cung cấp nhiều bộ hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra, cơ quan nhà nước khác và đại biểu Quốc hội để phục vụ kiểm tra, giám sát.
Thẩm tra báo cáo, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng quy mô kiểm toán hàng năm đã tăng lên nhưng việc kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu kiểm toán thường xuyên hàng năm các đơn vị dự toán cấp I trực thuộc ngân sách Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, chất lượng báo cáo kiểm toán của một số cuộc kiểm toán còn hạn chế, tỷ lệ thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước hàng năm chưa cao, một số kết luận còn chưa sát với thực tế, thiếu bằng chứng thuyết phục nên dẫn đến có những kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước không được thực hiện do các đơn vị, địa phương được kiểm toán chưa nhất trí với kết quả kiểm toán.
Nhận xét chung, các ý kiến ở phiên thảo luận đánh giá hoạt động kiểm toán nhiệm kỳ qua đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên cũng còn không ít hạn chế.
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thì ngoài nhân dân và báo chí, tham nhũng chỉ “bị lộ” khi nội bộ có mâu thuẫn, còn qua kiểm toán gần như rất hạn chế.
Nhận xét kiểm toán kiến nghị nhiều nhưng thực hiện thì còn có vấn đề, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý băn khoăn khi chưa thấy ai bị xử lý kỷ luật vì không thực hiện nghiêm báo cáo của kiểm toán và Kiểm toán nhà nước cũng không đề xuất kỷ luật ai.
“Phê” báo cáo tổng kết hệt như báo cáo… kiểm toán, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đối tượng của kiển toán là tài chính, tài sản công của quốc gia. Vậy thì 5 năm qua hoạt động kiểm toán đã đem lại lợi ích cho quốc kế dân sinh thế nào, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm thời gian tới để nâng cao chất lượng hoạt động?
“Cần đánh giá khái quát chứ không nên liệt kê”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với Chủ tịch Quốc hội.