06:00 25/10/2013

Kinh tế gian nan, vang bài ca cũ

Lê Châu

Kinh tế ngày một gian nan mà Chính phủ vẫn vang bài ca cũ với những điệp khúc cũ cả trong cách đánh giá lẫn việc đưa ra giải pháp

Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng nhận xét “nền kinh tế có nét tươi sáng nhưng cũng nhiều mảng xám”. Ảnh minh họa - Nguồn: ANTĐ.<br>
Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng nhận xét “nền kinh tế có nét tươi sáng nhưng cũng nhiều mảng xám”. Ảnh minh họa - Nguồn: ANTĐ.<br>
Kinh tế ngày một gian nan mà Chính phủ vẫn vang bài ca cũ với những điệp khúc cũ cả trong cách đánh giá lẫn việc đưa ra giải pháp, là tâm tư của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận tại tổ cả ngày 24/10 về tình hình kinh tế - xã hội.

Nhiều liên tưởng đến sự việc thật như đùa vừa diễn ra được dư luận cho là không chỉ cực hiếm gặp trong lịch sử hàng không Việt Nam mà còn trong cả lịch sử hàng không... thế giới, đó là một chiếc ATR 72 của Vietnam Airlines rơi mất một chiếc bánh lúc nào không hay, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói nền kinh tế Việt Nam như một chiếc xe chạy với 4 bánh mà 3 bánh đã “xịt lốp”!

“Nghe thì rất hay, làm thì loay hoay”

“Chúng ta cần phải nói thẳng với nhau rằng sức khỏe của nền kinh tế hiện nay là rất xấu, với những căn bệnh còn xấu hơn cả nợ xấu”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói. Dẫn chứng ra một loạt những căn bệnh xấu hơn nợ xấu như đầu tư bất chấp hiệu quả, cơ sở dữ liệu hoạch định chính sách là rất rủi ro, độ tin cậy rất đáng nghi ngờ, nguồn nhân lực vừa thừa vừa thiếu đã lên đến mức nghiêm trọng...

Ông Lợi còn nhấn mạnh: “đã thế lại còn xuất hiện thêm căn bệnh xấu mới nữa là tồn kho chính sách, tồn kho thể chế”.

Bình luận thêm về tiến độ cũng như kết quả của tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, vị đại biểu này tỏ ra đầy hoài nghi về việc “Chính phủ luôn khẳng định quyết tâm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng có một câu chuyện mà chúng ta vẫn nói nhiều năm qua là việc cho thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế nhà nước, đến nay vẫn chưa thấy tổng kết để biết nó thế nào, thì biết tái thế nào? Vì thế, không xảy ra những vụ ầm ĩ như Vinashin, Vinalies mới là... lạ!”.

“Tái cơ cấu, nghe thì rất hay, làm thì loay hoay”, đại biểu Lê Minh Thông hưởng ứng “như việc tái cơ cấu các tập đoàn thì chuyển nó sang thành các tổng công ty, rồi đầu tư ngoài ngành thì giờ thành thoái vốn, còn bản chất tái cơ cấu như thế nào thì không thể biết ra sao!”.

Nhắc đến hai cơn bão vừa liên tục vùi dập miền Trung, ông Thông bình luận về việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó có tái cơ cấu cây trồng rằng “Không cơ quan nào lên tiếng can ngăn về việc đem cây cao su ra trồng miền Trung (một loại cây công nghiệp không thích hợp với vùng này vì không chịu được gió mạnh) và cũng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm khi nông dân trắng tay”.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc đưa ra bình luận về việc đánh giá về tiến độ tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ nói thế nào cũng đúng nhận định “đạt được kết quả bước đầu” nhưng ở địa phương thì là “chậm và lúng túng”.

Khẩu hiệu chung chung, sao thoát khó?

Cũng theo đại biểu Lê Minh Thông “Hoan nghênh cao với Chính phủ là về ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đây là thành công đáng ghi nhận và phát huy”, nhưng gần như ngay lập tức, ông Thông nêu lên các thực trạng không sáng sủa khác của nền kinh tế như tồn kho vẫn là bài toán nổi lên đầy nhức nhối, tình hình thị trường bất động sản không có gì tích cực hơn so với năm ngoái và đến nay cũng không thấy có ánh sáng nào cho con đường tối này, vấn đề hấp thụ vốn của doanh nghiệp vẫn tiếp tục bế tắc dù ngân hàng có đến tận nơi để tiếp thị...

Đại biểu này kết luận: “Nỗi lo của nền kinh tế chúng ta là rất nặng nề. Cứ ca tụng là chúng ta vượt qua khủng hoảng, nhưng vượt qua không phải để đứng đấy hay thụt lùi, mà phải để tiến lên. Chúng ta chưa tận dụng được những cơ hội “lóe” ra từ khó khăn”.

Ông Thông còn nhận xét Chính phủ trong điều hành quá bận rộn với việc xử lý tình huống nên không có thời gian dành cho hoạch định các đường hướng phát triển nền kinh tế ổn định, lâu dài, đã thế, lại luẩn quẩn trong tư duy để cho “anh” nào trong nền kinh tế cũng sống được, nên rút cuộc là không “anh” nào sống cho ra sống để vượt qua gió bão.

Cùng một quan điểm như vậy, đại biểu Lê Thanh Vân đánh giá các chính sách của Chính phủ trong việc gỡ khó cho nền kinh tế chủ yếu mang tính “khẩu hiệu” và chung chung, luôn lặp lại từ năm này sang năm khác. Kinh tế ngày một gian nan nhưng vẫn luôn vang bài ca cũ thì làm sao nền kinh tế thoát khó?

Phân tích rõ hơn về bài ca cũ luôn vang lên, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói “một điều rất quen thuộc khi đọc các báo cáo kinh tế xã hội hàng năm của Chính phủ, là thành tích bao giờ cũng nêu hết, liệt kê hết, nhưng tồn tại, hạn chế chỉ đề ra có “mức độ” thôi. Cứ khám bệnh như vậy thì đến giờ mới chữa được cho hết bệnh?”.

Đại biểu này còn phàn nàn “trong khi các nước trong khu vực đều phải trải qua khó khăn như ta cả nhưng họ đều đã vượt qua khó khăn được và phát triển tốt hơn ta vì họ có tầm nhìn trong hoạch định chính sách và một tinh thần thẳng thắn nhìn vào thực tế” và “khi chẻ nhỏ ra để phân tích thì ở ngay cả những lĩnh vực được coi là thành tích, tình hình cũng rất đáng nghi ngại! Như việc động lực cho tăng trưởng kinh tế đang nằm ở khu vực FDI. Chúng ta yên tâm làm sao được khi đi bằng đôi chân của người khác?”.

Có tươi sáng nhưng nhiều mảng xám


Đại biểu Phạm Xuân Thăng nhận xét “nền kinh tế có nét tươi sáng nhưng cũng nhiều mảng xám”. Về chuyện “xám” này, Đại biểu Nguyễn Hữu Quang nói “Theo báo cáo Chính phủ thì nền kinh tế chưa đến nỗi màu xám, nhưng thực tiễn lại khác, không những xám, mà còn rất xám, khi sau 13 năm vượt thu và vượt thu ngân sách ở mức cao, năm 2013, đã hụt thu. Ngay trong 11 chỉ tiêu đạt được, độ tin cậy cũng có vấn đề, đó là chưa nói đến bản chất của việc đạt, như nhập siêu giảm, tưởng là tích cực, nhưng thực tế là vì sức khỏe doanh nghiệp vẫn trong đà suy kiệt”.

Chung một hoài nghi như vậy, đại biểu Trần Văn Minh nhắc đến “căn bệnh kinh niên ở cấp độ toàn quốc là tăng trưởng thấp nhưng việc làm vẫn giữ nguyên không bị ảnh hưởng gì”. “Giờ tôi cũng không tin nợ xấu của mình là bao nhiêu? Nếu vấn đề này không được rõ ràng, minh bạch thì càng giấu nợ xấu kỹ bao nhiêu thì hậu quả càng nguy hiểm bấy nhiêu”, đại biểu Lê Văn Lai nêu quan điểm.

“Chúng tôi làm việc với các chuyên gia, họ cũng rất muốn có các con số chính xác để tham mưu nhưng rất khó. Trong khi, muốn đánh giá đúng thực trạng thì các con số phải chính xác”- Đại biểu Nguyễn Văn Phúc nhận định và cho biết về thực tế “chúng tôi đi các địa phương, đều nghe thấy doanh nghiệp phản ánh tình hình doanh nghiệp là cực kỳ khó khăn, vậy nói tăng trưởng kinh tế năm nay dự kiến đạt mức tăng 5,4% là dựa vào đâu?”.

Còn về chuyện “tươi sáng” của nền kinh tế, dưới góc nhìn của đại biểu Trương Trọng Nghĩa là: “Các thành tựu hiện nay nói với nhau chỉ để an ủi vậy thôi. Như việc chúng ta vẫn hay nói Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng thực chất đó là điểm đến của công nghệ lạc hậu, quản lý lỏng lẻo, chuyển giá...”.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)