15:00 11/08/2014

Kinh tế miền Trung: Biển và còn gì nữa?

Minh Thúy

Ông Nguyễn Bá Thanh hiện là trưởng ban điều phối vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra biển Đông, các tỉnh duyên hải miền Trung có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển.
Là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra biển Đông, các tỉnh duyên hải miền Trung có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển.
Nhắc đến miền Trung, nhiều người nghĩ trước tiên đến biển. Nhưng ngoài biển và du lịch, các tỉnh thành miền Trung còn có những gì hấp dẫn nhà đầu tư trong nước và đặc biệt là các nhà đầu tư ngoại?

Đây là câu hỏi được VnEconomy đặt ra với TS. Trần Du Lịch, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Miền Trung do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vào ngày 15/8 tới đây, tại Đà Nẵng.

Quê Bình Định, lập nghiệp ở Tp.HCM, hiện là Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố này, nhưng ông Lịch lại được mời làm trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển vùng duyên hải miền Trung.

Cơ duyên này đã khiến sự gắn bó với dải đất miền Trung nắng gió của ông trở nên rất đặc biệt.

“Mặt tiền” của Việt Nam

Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa… là những cái tên khá quen thuộc, song thế mạnh của cả vùng duyên hải miền Trung vẫn là những thông tin chưa được đậm nét trên các phương tiện truyền thông, thưa ông?

Vùng duyên hải miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và 4 tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.

Diện tích tự nhiên 49.409,7 km2 với 1.430 km bờ biển, dân số trên 10 triệu người là một vài con số khái quát của vùng. Hầu hết các tỉnh đều có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trên 10%/năm giai đoạn 2009 – 2013 (theo cách tính GDP của địa phương).

Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn chỉ chiếm 13,47% và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn chiếm 3,89% so với cả nước.

Với nỗ lực và sự năng động của các địa phương cùng sự quan tâm đầu tư của Trung ương, vùng duyên hải Miền Trung  đã có những bước phát triển và thay đổi đáng kể trong đời sống kinh tế-xã hội. Song, nhìn chung sự phát triển chưa tương xứng với thế mạnh, vẫn là vùng khó khăn, mức sống dân cư còn thấp so với nhiều địa phương khác.

Vậy sức hấp dẫn của miền Trung với các nhà đầu tư nằm ở đâu, thưa ông?

Là “mặt tiền” của Việt Nam nhìn ra biển Đông, các tỉnh duyên hải miền Trung có ưu thế rất quan trọng về kinh tế biển.

Nhìn chung, các địa phương này có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về biển, đảo, vịnh nước sâu, đất, rừng, di sản văn hóa lịch sử… cho phép phát triển  5 lĩnh vực chủ yếu  của kinh tế biển là: đánh bắt xa bờ; khai thác tài nguyên khoáng sản; cảng biển và dịch vụ hàng hải; khu kinh tế, khu công nghiệp gắn liền với lợi thế cảng biển và du lịch biển đảo, gắn với văn hóa, lịch sử.

Hiện nay trong toàn vùng đã có 6 khu kinh tế, 54 khu công nghiệp tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có quy mô lớn như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ôtô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông lâm thủy sản, hóa chất, vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, công nghiệp thông tin, dệt may, da giày… với các sản phẩm chủ lực là hóa dầu, thủy điện, ôtô, hải sản, dệt may, da giày, cao su…

Đặc biệt, trên địa bàn tập trung 4 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận là quần thể di tích cố đô Huế và nhã nhạc cung đình Huế, phố cổ Hội An, khu di tích Mỹ Sơn tại Quảng Nam. Vùng cũng có nhiều vịnh, bãi tắm tầm cỡ quốc tế và các khu bảo tồn thiên nhiên… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành du lịch.

Một chuỗi đô thị ven biển đang hình thành như Chân Mây - Lăng Cô, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết là cơ sở quan trọng để thiết lập và mở rộng các liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Các địa phương đã xây dựng một số đoạn tuyến đường du lịch ven biển và dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành cung đường ven biển dài hơn 500 km này.

Miền Trung và căng thẳng biển Đông


Từ khi “nắm tay nhau chặt hơn”, miền Trung có sự thay đổi nào là đáng kể nhất, theo cảm nhận của ông?

Thực ra, Chính phủ đã quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và có sự chỉ đạo liên kết phát triển vùng từ hơn chục năm qua, nhưng trên thực tế cho đến khi lãnh đạo các địa phương vào tháng 7/2011 tự nguyện ký kết hợp tác liên kết phát triển vùng và lập ra ban điều phối, thì gần như chưa có sự liên kết nào đáng kể.

Đặc điểm của ban điều phối vùng - gồm 9 địa phương - do bí thư các tỉnh, thành trong vùng trực tiếp tham gia nên đã tạo được thế mạnh nhất định trong chỉ đạo thực hiện.

Với phương châm vấn đề gì dễ có sự đồng thuận cao thì làm trước, rút kinh nghiệm để làm những việc khó hơn trong 9 lĩnh vực hợp tác đã ký kết, nên sau 3 năm hoạt động đã tiến hành hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển du lịch; đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức diễn đàn thu hút đầu tư; phát triển khu công nghiệp… đã bước đầu mang dáng dấp tư duy kinh tế vùng.

Điều quan trọng đạt được là lãnh đạo tất cả các địa phương đều có nhận thức chung là: muốn phát triển bền vững phải có sự liên kết và hợp tác vùng, xem sự liên kết phát triển như là một tất yếu.

Khi căng thẳng biển Đông gia tăng, môi trường đầu tư các tỉnh miền Trung cũng đứng trước nhiều thách thức. Nhưng trong thách thức, lẽ thường cũng có những cơ hội mới. Theo ông, thì cần làm gì để phát huy các cơ hội này?

Căng thẳng biển Đông gia tăng cũng là lúc yêu cầu cải cách thể chế kinh tế để phát triển bền vững hơn và tránh lệ thuộc quá nhiều vào một số nước được đặt ra cấp thiết hơn lúc nào hết với Việt Nam.

Vừa qua, ở cả diễn đàn Quốc hội và hội đồng nhân dân các tỉnh, cả thách thức và cơ hội trong tình hình mới đều bước đầu được dự báo. Cá nhân tôi cho rằng, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, môi trường quốc tế thuận lợi là cơ hội để phát huy vị trí và vai trò của các tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung; đặc biệt các quốc gia có tiềm năng kinh tế biển đang là lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu.

Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đang được các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường quan tâm, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào miền Trung ngày càng lớn.

Một số công trình đầu tư lớn, công trình trọng điểm được đầu tư vào miền Trung và bắt đầu đi vào khai thác, hoạt động. Kinh tế tri thức đang phát triển, miền Trung có thể tăng tốc trên cơ sở đẩy nhanh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển mạnh khoa học công nghệ…

“Dấu ấn Nguyễn Bá Thanh”

Nhiều người cho rằng sự phát triển của một số tỉnh miền trung, đặc biệt là Đà Nẵng mang đậm dấu ấn cá nhân của người lãnh đạo. Hiện nay trưởng ban điều phối vùng là ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, vậy “dấu ấn Nguyễn Bá Thanh” và các vị lãnh đạo khác với sự phát triển của vùng thế nào, thưa ông?

Vâng, trong mỗi giai đoạn phát triển của sự nghiệp chung đều có vai trò nhất định của cá nhân người lãnh đạo.Vào thời điểm thành lập ban điều phối vùng và ký biên bản hợp tác vào tháng 7/2011 tại Đà Nẵng, tất cả lãnh đạo trong vùng đều thống nhất cử Bí thư Đà Nẵng khi ấy là ông Nguyễn Bá Thanh làm trưởng ban. Bí thư Bình định và Phú Yên làm phó ban, bí thư các tỉnh còn lại là ủy viên.

Một năm sau mở rộng thêm hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khi đó ban điều phối gồm 9 vị ủy viên Trung ương Đảng, nên có “sức nặng” đáng kể, tạo chỗ dựa cho sự liên kết được thuận lợi.

Hiện nay ban điều phối vẫn chưa có gì thay đổi và trung tâm nghiên cứu phát triển vùng, đặt tại Đà Nẵng, và quỹ phát triển miền Trung chính là công cụ để thực hiện ý tưởng của ban điều phối. Ngay từ đầu ban điều phối đã thành lập nhóm chuyên gia tư vấn để tham mưu về chuyên môn, với tinh thần rất cầu thị.

Có thể nói, ban điều phối vùng do ông Nguyễn Bá Thanh đứng đầu, đã tạo điều kiện và cơ hội tốt nhất cho các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp vào sự phát triển của miền Trung. Tuy nhiên, dù sao cũng mới là giai đoạn khởi đầu, mọi kỳ vọng miền Trung “cất cánh” vẫn còn ở phía trước.