08:06 11/09/2017

Kinh tế Quảng Ngãi: "Cái khó bó cái khôn"?

Hà Vũ

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Quãng Ngãi, chính quyền đối đầu với dân là tối kỵ

Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung khảo sát tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) - Ảnh: Việt Tuấn.
Ban tổ chức Diễn đàn kinh tế miền Trung khảo sát tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) - Ảnh: Việt Tuấn.
"Tôi hỏi thật, trừ số thu từ dầu khí đi thì ngân sách của tỉnh là bao nhiêu?".

Câu hỏi này được TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển miền Trung đặt ra trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chiều 8/9 vừa qua.

Đây cũng là tỉnh thứ tư, sau Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam trong chuyến khảo sát của nhóm tư vấn và Ban tổ chức Diễn đàn Kinh tế miền Trung (sẽ diễn ra ngày 25/9 tới).

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã khảo sát tại khu kinh tế Dung Quất - nơi được định hướng trở thành một khu kinh tế đa ngành, với trọng tâm là công nghiệp lọc hoá dầu.

Tại đây, bên cạnh một số nhà máy quy mô lớn đang hoạt động như Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Nhà máy đóng tàu Dung Quất thì còn có một số dự án quy mô lớn đang được triển khai xây dựng. Như Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (công suất 4 triệu tấn/năm), nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất lên 8,5 triệu tấn; xây dựng 2 nhà máy điện khí từ mỏ khí cá voi Xanh (công suất mỗi nhà máy 750MW)… 

Tổng số có 196 dự án đầu tư đã được cấp phép với tổng vốn đăng ký khoảng 10,74 tỷ USD. Nhưng giá trị sản xuất công nghiệp và thu ngân sách đang giảm dần.

Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp từ 2013 - 2016 lần lượt là: 140.200 tỷ đồng, 120.500 tỷ, 84.000 tỷ và đến 2016 còn 75 ngàn tỷ. Thu ngân sách năm 2013 là 27 ngàn tỷ, đến 2016 còn 12.500 tỷ.

Đặt kỳ vọng một số dự án lớn như đã nói trên sẽ tạo nên sự phát triển bùng nổ tiếp theo của khu kinh tế này, song ban quản lý cho biết tình hình triển khai các khu đô thị và các khu du lịch đều đang gặp khó khăn. Hiện chỉ có Khu du lịch Thiên Đàng đã được đầu tư và đi vào hoạt động nhưng không hiệu quả.  

Một trong những ngoại tác tiêu cực được nêu tại báo cáo của ban quản lý là tình trạng dân khiếu nại về chính sách bồi thường, cản trở thi công đông người diễn ra thường xuyên, kể cả các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, đã dỡ dọn nhà cửa, bàn giao mặt bằng cũng quay về cản trở thi công nên ảnh hưởng nhiều đến tiến độ triển khai dự án của nhà đầu tư.

Định hướng phát triển kinh tế của Quảng Ngãi, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh vẫn coi phát triển công nghiệp là nhiệm vụ đột phá, tập trung vào khu kinh tế Dung Quất là chủ yếu.

Nhưng, trả lời câu hỏi thật của TS. Trần Du Lịch, ông Minh cũng nói thật là ngân sách nội địa không quá 20%, nếu cả tỉnh thu được 12 ngàn tỷ thì thu từ nhà máy lọc dầu đã hơn 8 ngàn tỷ. Tỉnh đang tính khi xây dựng ngân sách năm tới sẽ trừ đi phần thu từ dầu khí, "dân Quảng Ngãi không được hưởng từ ngân sách đó" - ông Minh nói.

Hầu hết đất được quy hoạch làm khu kinh tế dân đều đang sử dụng, vậy cơ chế nào để có quỹ đất sạch cho nhà đầu tư là câu hỏi tiếp theo từ TS Trần Du Lịch.

Thừa nhận khó nhất là quỹ đất sạch giao cho nhà đầu tư, dù có lúc có nơi cũng đã "xé rào", Phó chủ tịch Đặng Văn Minh cho biết đất toàn có chủ hết, trên sổ sách còn đất nhưng trên thực tế dân đã quản lý nhiều năm. 

Mà, nếu thu để làm công trình công cộng thì dân mới chấp nhận đền bù theo giá nhà nước, còn thu hồi đất giao cho doanh nghiệp thì nhất định phải theo giá thị trường. 

Phải cưỡng chế thì vài hộ chứ nhiều hộ cùng lúc thì khó, chính quyền đối đầu với dân là tối kỵ, Quảng Ngãi lúng túng vấn đề này - ông Minh trao đổi.

Về giải pháp thì Nhà nước có thể ứng vốn giải phóng mặt bằng để cho nhà đầu tư thuê và sau đó trừ dần. Nhưng cái khó của Quảng Ngãi, theo ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất thì tiền phải ứng từ ngân sách tỉnh, trong khi "hàng xóm" Quảng Nam tiền này lại có thể trông cậy từ ngân sách Trung ương. Nhà đầu tư không muốn vào khu kinh tế mà muốn ở ngoài vì chi phí cao.

Cũng so sánh với Quảng Nam - tỉnh láng giềng thì ban quản lý khu kinh tế Dung Quất cũng không được phân cấp mạnh như Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai. Nhiều việc nhà đầu tư ở Quảng Nam chỉ cần qua một cửa ban quản lý còn nhà đầu tư ở Quảng Ngãi thì phải qua các đầu mối khác nữa. 

Nên chăng với các khu kinh tế miền Trung thì nên có chính sách tương ứng với ba đặc đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đang được đề xuất - đại diện Ban quản lý tại buổi làm việc với đoàn công tác nêu quan điểm.