07:19 11/07/2014

Kỳ lạ số liệu nợ xây dựng cơ bản tại Hà Nội

Nguyên Mẫn

“Mỗi kỳ họp lại thấy báo cáo con số nợ khác nhau. Vậy đâu là con số cuối cùng?”

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong hai năm 2014 và 2015.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong hai năm 2014 và 2015.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 10/7, nhiều đại biểu cảm thấy kỳ lạ về số liệu nợ trong xây dựng cơ bản.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Ngô Thị Doãn Thanh cũng băn khoăn: “Mỗi kỳ họp lại thấy báo cáo con số nợ khác nhau. Vậy đâu là con số cuối cùng?”.

Bà Thanh đề nghị, UBND thành phố phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân, hoàn thành xử lý nợ xây dựng cơ bản vào năm 2015 và không để phát sinh nợ mới.

“Sang đầu tháng 8 phải có kết luận thanh tra về nợ xây dựng cơ bản. Kỳ họp cuối năm, UBND thành phố phải báo cáo không chỉ kết luận thanh tra này, mà cả việc xử lý sau thanh tra, trách nhiệm tập thể, cá nhân”, bà nhấn mạnh.

Trước đó, báo cáo về tình hình nợ xây dựng cơ bản, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Quý cho biết, 3 huyện đang có nợ ngoài kế hoạch là Đan Phượng 38 dự án với 69 tỷ đồng, Phúc Thọ 19 dự án và Mỹ Đức 1 dự án là 2,4 tỷ đồng. Hiện nay, thanh tra thành phố đang thanh tra toàn diện việc nợ đọng xây dựng cơ bản. Thành phố sẽ có biện pháp xử lý sau khi có kết luận của thanh tra.

Về bố trí nguồn giải quyết nợ xây dựng cơ bản, trong dự toán thu chi năm nay đã bố trí giải quyết phần lớn số nợ này. Tính đến 30/6/2014, toàn thành phố đã giải ngân được 4.388 tỷ đồng, quận, huyện, thị xã giải ngân được 1.600 tỷ đồng, đạt 54%.

Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong hai năm 2014 và 2015.

Tuy nhiên, theo tính toán hết năm 2015, nhiều huyện sẽ vẫn còn khoản nợ lớn hơn nguồn vốn phân cấp, như huyện Ba Vì nợ 156 tỷ đồng trong khi nguồn vốn phân cấp huyện chỉ được 115 tỷ đồng; huyện Phú Xuyên đang nợ 378 tỷ đồng, nguồn vốn phân cấp huyện 115 tỷ đồng; huyện Ứng Hòa nợ 166 tỷ đồng, nguồn vốn phân cấp 104 tỷ đồng...

Phàn nàn về số liệu báo cáo không thống nhất, đại biểu Nguyễn Văn Nam cho rằng, “việc theo dõi, chấp hành quy định trong đầu tư của thành phố đang “có vấn đề”, các giải pháp đề ra cũng mới chỉ mang tính tình thế”.

Báo cáo trước Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về công tác quản lý đất đai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông đưa ra thông tin, quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát dự án từ năm 2009-2013, ngoài các dự án đã chấp hành pháp luật, trong số 352 dự án có dấu hiệu vi phạm, có 160 trường hợp đã tự đưa đất vào sử dụng, thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Hiện thành phố đã lập hồ sơ xong 15 dự án với 23 ha; hoàn thành thu hồi 1 dự án với diện tích 3 ha.

Thời gian tới, sẽ tiếp tục sàng lọc dự án, trong đó siết chặt quy định năng lực đầu tư, ký quỹ đầu tư khi triển khai dự án, thẩm định việc chấp hành đầu tư của chủ đầu tư với các dự án đã từng được giao triển khai... Hà Nội sẽ công bố công khai các dự án vi phạm, chậm triển khai trên cổng thông tin điện tử thành phố và trang web của Sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường.