09:12 07/10/2016

Lãi suất 5 năm tới sẽ “chênh lệch hợp lý”

Nguyên Vũ

Cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý (từ 2 - 3%) so với mức lạm phát

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu trình bày đề án tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu trình bày đề án tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm tới.
Cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý (từ 2 - 3%) so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực.

Đây là mục tiêu được nêu tại dự thảo Đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp toàn thể sáng 7/10 của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội.

Rủi ro còn rất lớn

Đánh giá quá trình thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011 - 2015, với tái cơ cấu thị trường tài chính, báo cáo nêu kết quả: đã giám sát chặt chẽ và sắp xếp lại các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ, triển khai xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của các tổ chức tín dụng, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, bảo đảm an toàn hệ thống.

Thị trường tài chính ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo. Đến cuối tháng 12/2015, hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung đạt tỷ lệ an toàn vốn 13% (mức tối thiểu theo quy định là 9%) và đáp ứng đầy đủ các tỷ lệ về khả năng chi trả và tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định của pháp luật.

Lãi suất cho vay trung bình giảm từ 17,9%/năm trong năm 2011 xuống còn 9,08% năm 2015. Tăng trưởng tín dụng dần được cải thiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu trình bày.

Trong bối cảnh lãi suất huy động giảm khá mạnh, tổng huy động vốn từ nền kinh tế của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng khá cho thấy niềm tin của nhân dân vào hệ thống ngân hàng được cải thiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Tuy vậy, tái cơ cấu hệ thống tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng được nhìn nhận là còn nhiều vướng mắc.

Như, tái cơ cấu thị trường tài chính còn nhiều tồn tại như sự thay đổi về cơ cấu thị trường diễn ra chậm chạp, vai trò của thị trường vốn chưa đủ lớn, nhiều yếu kém có tính hệ thống và dài hạn của các tổ chức tín dụng chưa được giải quyết cơ bản, đặc biệt là vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo và quản trị ngân hàng nhiều rủi ro, chưa xử lý dứt điểm một số ngân hàng thương mại rất yếu kém, đã có dấu hiệu phá sản.

Nhiều yếu kém của hệ thống ngân hàng có tính hệ thống và tồn tại lâu dài, chưa được giải quyết như sở hữu chéo, đầu tư chéo, nợ xấu và quản lý rủi ro chưa đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn còn cao, chưa được xử lý dứt điểm làm cho lãi suất cho vay vẫn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an toàn, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Do đó, rủi ro toàn hệ thống và rủi ro từng tổ chức tín dụng còn rất lớn, cơ quan xây dựng báo cáo nhấn mạnh.

Hạn chế tiếp theo được nêu là các ngân hàng thương mại gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính do việc tăng vốn của các ngân hàng chủ yếu từ nguồn cổ tức. Lãi suất cho vay trong thời gian từ 2012 đến nay có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao so với lạm phát và mức lãi suất của nhóm nước ASEAN-4.

Xử lý dứt điểm nợ xấu

Trình bày kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 0 2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu đề cập 5 nội dung và 10 nhiệm vụ ưu tiên.

Một trong 5 nội dung (nội dung thứ ba) là tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán. Và một trong 10 nhiệm vụ ưu tiên là đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu và áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại các tổ chức tín dụng.

Thứ trưởng Thu cho biết, mục tiêu của nội dung ba là hoàn tất cơ bản tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, tiếp tục giảm rủi ro, củng cố an toàn hệ thống, tăng cường hiệu quả hoạt động của thị trường tài chính.

Cụ thể hơn, đề án xác định xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, giảm tỷ lệ nợ xấu trong nền kinh tế xuống mức dưới 3% một cách bền vững. Cắt giảm lãi suất cho vay trung bình xuống mức chênh lệch hợp lý (từ 2 - 3%) so với mức lạm phát và có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình tại các nước trong khu vực.

Phấn đấu đến 2020, các ngân hàng thương mại có mức vốn tự có theo chuẩn mực vốn của Basel II, trong đó có ít nhất 12 -15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (theo phương pháp tiêu chuẩn trở lên).

Ở nội dung này, đề án còn đặt mục tiêu nâng cao quy mô và hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bảo hiểm. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.