09:03 19/12/2013

“Lập trình tài chính” cho điều hành kinh tế vĩ mô

Nguyên Thảo

Bối cảnh kinh tế vĩ mô đang thay đổi đặt ra nhiều đòi hỏi khó với các nhà điều hành kinh tế Việt Nam

PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu khai mạc hội thảo.<br>
PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phát biểu khai mạc hội thảo.<br>
Với chủ đề phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015, hội thảo khoa học do Học viện Chính sách và Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức sáng nay (19/12) được kỳ vọng sẽ đưa ra các khuyến nghị hữu ích, đặc biệt với việc xây dựng và đưa vào sử dụng công cụ “lập trình tài chính” nhằm cải thiện chất lượng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô cả trước mắt và trong trung-dài hạn.

Thông điệp từ sự kiện này càng trở nên có ý nghĩa khi Quyết định 1317 của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư  là cơ quan giữ vai trò đầu mối, đang được tích cực triển khai.

Theo PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện, bối cảnh kinh tế vĩ mô đang thay đổi đòi hỏi các nhà điều hành kinh tế cần tạo được sự nhất quán, đồng bộ các biện pháp chính sách gồm các chính sách quản lý cầu, chuyển hướng chi tiêu, cấu trúc và quản lý dòng vốn nhằm đạt được các mục tiêu vĩ mô theo những kịch bản kinh tế nhất định cho giai đoạn 2014-2015 và những năm tiếp theo.

Trong đó, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được coi là hai trụ cột chính. Vì vậy, việc phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa hai công cụ chính sách này trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015 nói riêng, cải thiện chất lượng công tác điều phối trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô nói chung, trở nên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Với sự góp mặt của nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính cùng các nhà quản lý, không chỉ nhiều vấn đề cụ thể của nền kinh tế mà cả các cơ hội cải cách thể chế kinh tế cũng sẽ được mổ xẻ tại hội thảo.

Ở bản tham luận mang tính đề dẫn, PGS.TS Đào Văn Hùng, TS. Trịnh Quang Anh cùng các cộng sự đặc biệt lưu ý yêu cầu của Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu vừa qua là “tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ” trong hai năm tới, khi đã chấp thuận nới tỉ lệ bội chi ngân sách lên 5,3% GDP và cho phát hành bổ sung trái phiếu chính phủ 170 nghìn tỷ đồng trong 2014-2016. Cũng có nghĩa, Chính phủ sẽ phải rất thận trọng, khéo léo trong việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015 trong yêu cầu vừa ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa tăng trưởng hợp lý.

Cũng trên cơ sở định hướng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, các tác giả đã nhấn mạnh một số khuyến nghị.

Như, Chính phủ cần sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu lạm phát 7% +-1%/năm trong 2014-2015 và có thể sẽ thấp hơn ở trung hạn và kiên định các chính sách nhằm ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này giúp các chủ thể kinh tế và công chúng hình thành kỳ vọng lạm phát hợp lý và yên tâm triển khai các kế hoạch, dự án sản xuất kinh doanh hay thực hiện các dự định tiêu dùng cá nhân. Theo đó, Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng và triển khai khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ theo lạm phát mục tiêu. Khi có sự xung đột giữa các mục tiêu hoạt động được giao, Ngân hàng nhà nước được phép theo đuổi mục tiêu ưu tiên số một là lạm phát.

Nhóm tác giả cũng cho rằng, Ngân hàng nhà nước cần sớm tuyên bố sẽ theo đuổi mục tiêu ổn định tỷ giá với biên độ biến động hẹp trong 2014-2015, có thể không quá 2-3%, để các nhà đầu tư cả trong nước và ngoài nước yên tâm đầu tư kinh doanh, cũng như dân chúng có thể sẵn sàng chuyển hóa tài sản ngoại tệ sang nội tệ để tiêu dùng. Tất nhiên trong trung hạn, việc có nên tiếp tục giữ cơ chế tỉ giá này hay thả dần để phản ánh sát hơn giá trị thực của VND theo nguyên tắc ngang giá sức mua, phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, là điều cần bàn tiếp.

Trong hai năm còn lại của kế hoạch 5 năm, theo TS. Trịnh Quang Anh, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi mà ngân sách nhà nước gia tăng mức bội chi và Bộ Tài chính phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ mà nơi hấp thụ chủ yếu là hệ thống ngân hàng. Bởi, Ngân hàng nhà nước trong khi vẫn cần đảm bảo cung ứng đủ thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng, khích lệ hệ thống đáp ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế trên nguyên tắc hiệu quả, nhưng không được làm gia tăng áp lực lạm phát tiền tệ, đồng thời phải tạo điều kiện cho Bộ Tài chính phát hành thành công tín phiếu và trái phiếu chính phủ theo kế hoạch 2014-2015 dự kiến.

Ngược lại, Bộ Tài chính cũng cần tính toán kỹ và thống nhất với Ngân hàng nhà nước về lượng, cơ cấu kỳ hạn, thời điểm cũng như mức lãi suất trái phiếu dự kiến phát hành. Mức lãi suất có thể cần nhích lên để đáp ứng kỳ vọng nhà đầu tư nhưng không phá vỡ mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế mới hình thành.

Điều mà theo TS Quang Anh cần hết sức lưu ý là hệ thống tổ chức tín dụng hiện đang nắm giữ tới 450 nghìn tỉ đồng tín phiếu và trái phiếu chính phủ, chiếm khoảng 90% tổng lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành là một quan ngại lớn. Với áp lực phát hành trái phiếu chính phủ gộp, cả để đảo nợ đến hạn (tổng 2 năm 2014-15 là khoảng 320 nghìn tỉ đồng, dự đoán sẽ phát hành tập trung trong năm 2014), nguy cơ nợ công chuyển sang trạng thái mất an toàn là có khả năng, kéo theo đó là nguy cơ bất ổn hệ thống ngân hàng.

Ông Quang Anh cũng cho rằng, cán cân thương mại thăng bằng nhưng không bền vững và thực ra không thực chất. Ngoài chuyện vai trò đóng góp rất khác nhau giữa khu vực trong nước và khu vực FDI, nếu tính cả lượng vàng miếng trong năm 2013 lẽ ra nền kinh tế sẽ nhập về nếu Ngân hàng nhà nước không đứng ra nhập thay để bán đấu thầu can thiệp thị trường (hiện lên tới 67 tấn, tương đương 3 tỉ USD), cán cân thương mại có thể sẽ bị âm thêm khoảng 3 tỉ USD. Như vậy, số ngoại tệ lẽ ra nền kinh tế phải bỏ ra để nhập khẩu lượng vàng vật chất trên, phải chảy về Ngân hàng nhà nước thông qua hệ thống tổ chức tín dụng làm gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối nhà nước và Ngân hàng nhà nước sử dụng chính số đó để nhập vàng về bán đấu thầu.

Tuy nhiên, thực tế không hẳn diễn ra như vậy. Điều này chứng tỏ nền kinh tế có dấu hiệu găm giữ, tích trữ ngoại tệ, tức là mức độ đô-la hóa vẫn còn khá nặng dù đã giảm nhiều. Nói cách khác, mục “Lỗi và sai sót” sẽ lớn làm cán cân thanh toán tổng thể xấu đi so dự báo. Như vậy, có lẽ đã đến lúc cần thiết cân nhắc, xem xét lại chủ trương quản lý thị trường vàng miếng theo Nghị định 24/CP để đảm bảo lợi ích thu được lớn hơn chi phí bỏ ra và về dài hạn, tuân thủ cơ chế kinh tế thị trường, vị chuyên gia này khuyến nghị.

Rộng hơn và bao trùm hơn các đề xuất giải pháp chính sách về tài khóa, tiền tệ đề cập ở trên, các tác giả tham luận khuyến nghị rất cần thiết triển khai sớm và thực chất “Lập trình tài chính”trên cơ sở nguồn dữ liệu chuẩn mực và các điều kiện giả định, kịch bản kinh tế hợp lý, để thực sự có thể khai thác và sử dụng công cụ này một cách hữu hiệu, giúp cải thiện hiệu quả phối hợp trong quản lý và điều hành kinh tế vĩ mô ở Việt Nam.